Các hãng xe lớn của Nhật Bản chia sẻ gánh nặng với đối tác cung ứng

17-06-2022 09:47|Mạnh Trường

Trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng trên toàn thế giới, các "ông lớn" ôtô Nhật Bản buộc phải thực hiện các biện pháp để giảm gánh nặng cho các nhà cung cấp của mình.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất ôtô hùng mạnh của Nhật Bản đã lên sẵn phương án để đối phó với tình trạng giảm phát: ép các nhà cung cấp giảm giá cho mọi thứ, từ dây bảo hộ an toàn đến bó dây dẫn điện và đảm bảo cam kết về khối lượng linh kiện.

Nhưng trong tình trạng hiện nay, với lạm phát đang gia tăng trên toàn thế giới, các quản lý cấp cao của Toyota Motor Corp, Nissan Motor Corp và nhiều công ty khác đang cố gắng "gánh" thêm gánh nặng từ giá nguyên liệu thô tăng cao, hoặc mở rộng sự trợ giúp khác cho các nhà cung cấp phụ tùng gặp khó khăn của họ.

Toyota Motor

Tokai Rika Co Ltd là nhà sản xuất vô lăng và nhiều phụ tùng khác cho Toyota. Theo người phát ngôn của công ty, Tokai Rika đã được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của “đại gia” ôtô Nhật Bản.

Người phát ngôn Tokai Rika cho biết Toyota đang "chú ý nhiều hơn" đến những mối quan tâm và vấn đề của các đối tác kinh doanh.

Nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới tính theo doanh số hiện sở hữu hơn 30% cổ phần trong Tokai Rika và chiếm khoảng 75% doanh số bán hàng của họ.

Ban đầu, công ty dự kiến chi phí nguyên vật liệu cao hơn sẽ khiến lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính vừa kết thúc thiệt hại 9,1 tỷ yên (68 triệu USD). Thay vào đó, khách hàng của họ, chủ yếu là Toyota, đã "hấp thụ" gần 15% phần chi phí cao hơn.

Trước đó, Toyota đã cảnh báo mức tăng giá nguyên liệu thô "chưa từng có" có thể khiến họ mất 11 tỷ USD trong năm nay và cắt giảm khoảng 20% lợi nhuận cả năm.

Sự thiếu hụt chất bán dẫn và đại dịch buộc Toyota phải cắt giảm nhiều lần kế hoạch sản xuất, qua đó làm tăng gánh nặng chi phí cho các nhà sản xuất linh kiện. Công ty hiện có khoảng 60.000 nhà cung cấp, trong đó bao gồm 400 nhà cung cấp chủ chốt.
Nissan Motor

Giám đốc điều hành (CEO) Ashwani Gupta của Nissan gần đây đã nói với báo giới rằng, hãng đã "gánh" phần lớn chi phí gia tăng nguyên liệu thô và kim loại quý cho các nhà cung cấp.

Theo một giám đốc điều hành giấu tên tại một trong những nhà cung cấp của Nissan, hiện Nissan đang thanh toán cho các nhà cung cấp trước thời hạn và gửi các dự báo sản xuất sớm hơn trước. Cả hai động thái này đều giúp ích cho các nhà sản xuất linh kiện cung cấp cho họ.

Unipres Corp, công ty chuyên về công nghệ dập kim loại, đã tránh được tác động bất lợi từ tình trạng chi phí tăng trong năm nay sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Nissan.

Thông tin này được Chủ tịch Unipres Nobuya Uranishi chia sẻ trong một cuộc họp kín gần đây với các nhà đầu tư.

Cách tiếp cận đó đánh dấu một sự thay đổi đáng kể của Nissan. Dưới thời cựu Chủ tịch Carlos Ghosn, hãng này nổi tiếng với việc ép giá các nhà cung cấp, đổi lại cấp cho họ các đơn đặt hàng số lượng lớn.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước với hãng tin Reuters, CEO hiện thời của Nissan, ông Makoto Uchida, nói rằng khoản đầu tư cần thiết để chuyển sang sản xuất xe chạy hoàn toàn bằng điện cũng đòi hỏi một cách tiếp cận dài hạn hơn đối với các nhà cung cấp, thay vì chỉ tập trung vào "sự tăng trưởng lớn về sản lượng."

Đối với Unipres, điều đó có nghĩa là họ cần hợp tác với Nissan ở giai đoạn đầu để phát triển các bộ phận và công nghệ, thay vì chỉ mang tới giá cả cạnh tranh.

Sự hợp tác như vậy không đảm bảo mang tới các hợp đồng phụ tùng cỡ lớn, nhưng mang lại cho nhà cung cấp này những phản hồi quan trọng ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển sản phẩm.

Honda Motor

Nhà cung cấp bánh răng truyền động và bộ phận treo Musashi Seimitsu Industry Co của Honda Motor đang đàm phán với các nhà sản xuất ôtô để phản ánh tác động của chi phí vận chuyển và nguyên vật liệu cao hơn lên giá sản phẩm.

Một nhà cung cấp khác của Honda, nhà sản xuất bình xăng và cửa sổ trời Yachiyo Industry Co, cho hay họ không chịu tác động gì nhiều. Đó là vì họ mua nguyên liệu thô trực tiếp từ Honda và chuyển phần chi phí tăng vào giá bán các sản phẩm cuối cho công ty mẹ.

Giám đốc Tài chính Kohei Takeuchi cho biết nhà sản xuất ôtô này đang làm việc với các nhà cung cấp để giảm chi phí, trong bối cảnh giá cả tiếp tục tăng cao sang năm thứ hai liên tiếp. Dù vậy, dự báo lợi nhuận cả năm của Honda sẽ thấp hơn.

Những biện pháp trên cho thấy các nhà sản xuất ôtô đang cố gắng củng cố chuỗi cung ứng vốn đã chịu nhiều căng thẳng ra sao, ngay cả khi họ phải trả giá bằng biên lợi nhuận thấp hơn.

Sự hỗ trợ từng phần trong ngành công nghiệp ôtô của Nhật Bản cũng làm nổi bật những gián đoạn từ sự suy yếu đáng kể của đồng yen - vốn đang ở mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ.

Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yên tiếp tục mất giá so với cả USD và euro là do các nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản khiến chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng vì Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Nhìn chung, dù có sự hỗ trợ khá nhiều từ các đại gia ngành sản xuất ôtô, hoạt động của các nhà cung cấp phụ tùng quy mô vừa và nhỏ tại Nhật Bản vẫn chịu nhiều rủi ro.

Nhất là khi giới chuyên gia kinh tế cảnh báo giai đoạn đồng yên yếu và giá tiêu dùng tăng cao tại Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Dù đồng yên yếu giúp tăng lợi nhuận cho các công ty lớn có hoạt động ở nước ngoài, chi phí liên tiếp tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm cũng sẽ khiến việc hỗ trợ các nhà cung cấp của họ gặp thêm khó khăn.

Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định, chuẩn y nhân sự ở 6 tỉnh, thành

FPT 'bắt tay' với ông lớn Nhật Bản vốn hóa 41,5 tỷ USD để phát triển ngành ô tô

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cac-hang-xe-lon-cua-nhat-ban-chia-se-ganh-nang-voi-doi-tac-cung-ung-136044.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Các hãng xe lớn của Nhật Bản chia sẻ gánh nặng với đối tác cung ứng
    POWERED BY ONECMS & INTECH