Không chỉ Đức, việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga đang là bài toán khó với hàng loạt các nước châu Âu khác.
Trước đó, ngày 3/5/2022, một nhà ga khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã chính thức được khởi công tại thành phố cảng Alexandroupolis, Hy Lạp. Tầm quan trọng của đơn vị này được thể hiện rõ khi ngoài nước chủ nhà, lễ khởi công còn có sự tham gia của lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), cùng nguyên thủ của 3 nước Nam Âu: Serbia, Bắc Macedonia và Bulgaria.
Với chi phí khoảng 360 triệu Euro, nhà ga mới này cho phép Hy Lạp và các nước Nam Âu tiếp nhận và xử lý nguồn LNG nhập khẩu bằng đường biển. Nó có thể lưu trữ khoảng 150.000 m3 khí đốt trung chuyển, cùng công suất xử lý lên tới 5,5 tỷ m3 khí/năm.
Các nước Nam Âu hiện phụ thuộc khoảng 20 - 40% năng lượng vào nguồn nhập từ Nga. Sau các hành động cứng rắn gần đây từ phía Nga như yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble, hay thông báo cắt khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, nhiều nước châu Âu đã bắt đầu coi việc tìm kiếm những nguồn cung mới là một ưu tiên chính.
Khu vực Nam Âu hiện được xem là có nhiều nỗ lực nhất trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong khu vực. Tây Ban Nha hiện đang sở hữu tới 5 nhà ga xử lý LNG, còn Italy mới đây cũng đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt mới với một loạt nước xuất khẩu châu Phi.