Quốc tế

Cách Trung Quốc che giấu hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối

Thủy Tiên 23/07/2023 - 17:11

Trung Quốc báo lượng dự trữ ngoại hối 3,12 nghìn tỷ USD, nhưng thực tế, con số này lại rơi vào khoảng gần 6.000 tỷ USD. Vậy hơn 3000 tỷ chênh lệch kia đang ở đâu?

Trong bài viết vừa được đăng tải trên trang The China Project, tác giả Brad Setser chỉ ra rằng: lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc rơi vào khoảng gần 6.000 tỷ USD, cao gấp đôi so với 3,12 nghìn tỷ USD mà Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) báo cáo hồi tháng 12/2022.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Trung Quốc có thể "che giấu" hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối?

Tác giả Brad chỉ ra rằng, cách đầu tiên là thành lập quỹ đầu tư quốc gia, nơi ngân hàng trung ương bán ngoại hối của mình cho một cơ quan được thành lập đặc biệt để đầu tư vào các tài sản rủi ro không được coi là dự trữ.

Trên thực tế, Trung Quốc đã thành lập quỹ đầu tư quốc gia của riêng mình, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC), vào năm 2007. Tuy nhiên, phương thức chính mà nước này dùng để che giấu dự trữ ngoại hối là thông qua hệ thống ngân hàng nhà nước.

Bước 1: Chuyển tiền vào ngân hàng thương mại nhà nước

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã chuyển tiền qua các ngân hàng thương mại lớn của nhà nước, bao gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.

Cụ thể, năm 2003, Bắc Kinh đã phân bổ một khoản 45 tỷ USD từ quỹ dự trữ của mình để tái cấp vốn cho Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. ICBC cũng đã nhận được 15 tỷ USD dự trữ vào năm 2005.

Thời điểm 2005 và 2006, PBoC cũng đã chuyển khoảng 150 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại nhà nước bằng cách đổi USD lấy nhân dân tệ do các ngân hàng này nắm giữ. PBoC ưa thích phương thức giao dịch này bởi chúng không bị ghi lại trong bảng cân đối kế toán chính thức của PBOC.

Số tiền này sau đó được đầu tư vào trái phiếu nước ngoài - một động thái dẫn đến việc các nhà đầu tư tư nhân ở Trung Quốc tăng lượng nắm giữ trái phiếu nước ngoài của họ từ khoảng 50 tỷ USD lên gần 200 tỷ USD.

Đến cuối năm 2008, chính phủ Trung Quốc có khoảng 400 tỷ USD dự trữ “ẩn” trong các ngân hàng thương mại. Con số này khi đó bằng khoảng 10% GDP của đất nước.

Bước 2: Chuyển tiền cho các ngân hàng chính sách lớn

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, Trung Quốc đã nghĩ ra một kế hoạch mới để sử dụng dự trữ ngoại hối thặng dư của mình: chuyển một phần tới các ngân hàng chính sách lớn, bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Cách Trung Quốc che giấu hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối
Trung Quốc: Lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc qua các năm theo bảng cân đối kế toán của PBOC.

Những ngân hàng này sau đó đã dùng khoản ngoại hối nhận được để cung cấp các khoản vay cho các quốc gia, tổ chức nước ngoài.

Ví dụ: công ty dầu mỏ nhà nước của Nga đã nhận được khoản vay 15 tỷ USD để mở rộng sản xuất ở vùng viễn đông, trong khi công ty đường ống dẫn dầu của nước này đã nhận được 10 tỷ USD để xây dựng một đường ống vận chuyển dầu ra thị trường. Venezuela cũng đã được cấp ít nhất 30 tỷ USD cho các khoản vay, trong khi Angola nhận được hơn 20 tỷ USD.

Một số lượng lớn các khoản vay cũng được CDB và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc mở rộng cho các quốc gia quan tâm đến việc mua thiết bị viễn thông của nước này, một động thái thúc đẩy sự mở rộng toàn cầu của các doanh nghiệp như Huawei. Huawei được ghi nhận là đã nhận được hạn mức tín dụng tối thiểu là 30 tỷ USD từ CDB.

Và với việc các ngân hàng chính sách Trung Quốc cho các quốc gia, tổ chức nước ngoài vay, nên nó không còn được tính là dự trữ ngoại hối của nước này nữa.

Bước 3: Sử dụng tới các ngân hàng thương mại nhà nước

Tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại nhà nước là một nguồn dự trữ ngoại hối quan trọng khác của Trung Quốc.

Những ngân hàng thương mại này hiện sở hữu hơn 1,1 nghìn tỷ USD tài sản nước ngoài của Trung Quốc, theo ông Brad, trong khi các khoản nợ nước ngoài chỉ ở mức 200 tỷ USD, nghĩa họ có khoảng 900 tỷ USD để cung cấp các khoản vay ngoại tệ trong nước.

Trên thực tế, việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong cách quản lý các khoản dự trữ ngoại hối có thể gây hại cho phần còn lại của thế giới. Bởi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hoàn toàn có thể chi phối kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng là một "chủ nợ" lớn của thế giới. Do đó, bất kỳ hành động nào, dù "ngoài sáng hay trong tối" đều có thể tác động lớn đến các quốc gia khác, theo ông Brad.

Chẳng hạn như, việc Trung Quốc mua trái phiếu Hoa Kỳ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp rủi ro hơn, điều này đã góp phần gây ra sự sụp đổ của thị trường.

Các nhà kinh tế lo ngại rằng các biện pháp can thiệp tiền tệ của Trung Quốc đang kéo dài thương mại không công bằng, trong khi một số chuyên gia chính sách đối ngoại lo ngại rằng Trung Quốc có thể đột ngột bán trái phiếu trong trường hợp căng thẳng trên chính trường quốc tế, từ đó châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính.

(Tác giả Brad là phó Trợ lý Bộ trưởng Phân tích Kinh tế Quốc tế tại Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời là thành viên cao cấp về kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại trong chính quyền Tổng thống Joe Biden).

Mỹ khó thoát phụ thuộc vào pin xe điện Trung Quốc

Chân dung ông chủ hãng xe điện dẫn đầu top 50 CEO hàng đầu Trung Quốc

Tại sao tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng cao?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cach-trung-quoc-che-giau-hang-nghin-ty-usd-du-tru-ngoai-hoi-193405.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cách Trung Quốc che giấu hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối
POWERED BY ONECMS & INTECH