Cần cân nhắc lại quy định cho ngân hàng làm đại lý bảo hiểm

11-06-2023 21:18|Minh Anh

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng để tránh xung đột lợi ích và bảo vệ người đi vay, quy định cho NHTM làm đại lý bảo hiểm cần được cân nhắc, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 10/6, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đã trình bày một số ý kiến về việc ngân hàng làm đại lý bảo hiểm.

Đại biểu cho biết, theo quy định hiện hành, 2 loại bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp có mức chiết khấu tối đa cho phí bảo hiểm năm đầu là 40%.

Có dư luận cho rằng trong năm 2021, 2022 và quý 1/2023, một số ngân hàng thương mại (NHTM) có hiện tượng gợi ý khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ với mức phí vào khoảng 3-4% giá trị của khoản vay, có nơi gợi ý mua thì sẽ duyệt nhanh hồ sơ vay vốn, có nơi là điều kiện để được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Một số ngân hàng thương mại giao chỉ tiêu hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm cho nhân viên.

NHTM là một định chế đặc biệt, trong mối quan hệ vay vốn với ngân hàng thì người đi vay cơ bản là yếu thế. Vì vậy, để tránh xung đột lợi ích và bảo vệ người đi vay, quy định cho NHTM làm đại lý bảo hiểm cần được cân nhắc, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Cần cân nhắc lại quy định cho ngân hàng làm đại lý bảo hiểm
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Quốc hội)

Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương XI: Điều 185 và 189 liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm có hoặc không có gắn với quyền sử dụng đất như dự thảo sẽ chưa giải quyết được 2 tình huống đang xảy ra trong thực tế hiện nay.

Đó là tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất nhưng người bảo đảm đang nợ tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất và các khoản thu khác liên quan như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền chậm đưa đất vào sử dụng, tiền phạt chậm nộp hoặc sau khi tổ chức tín dụng nhận tài sản đảm bảo đó, sau một thời gian mới chuyển nhượng thì kể từ thời điểm nhận tài sản bảo đảm gắn liền với đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai có thuộc trách nhiệm tổ chức tín dụng hay không? Việc không đưa đất vào sử dụng theo Luật Đất đai trong giai đoạn cầm giữ tài sản này có bị tính tiền phạt hay không?

Để giải quyết được tình huống này, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất như sau: Bên mua khoản nợ hoặc tổ chức tín dụng khi nhận tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất thì không phải nhận các nghĩa vụ về thuế, phí, khoản chậm nộp liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân có tài sản bảo đảm tính từ thời điểm nhận tài sản trở về trước.

Đồng thời quy định thêm trong thời gian tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm nhưng chưa xử lý thì có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quyền sử dụng đất có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và không bị tính tiền phạt chậm đưa đất vào sử dụng (nếu có).

Chi hơn 200 triệu đồng mua gói bảo hiểm nhận lãi hàng tháng, người phụ nữ nhận ‘trái đắng’

10 nhóm đối tượng đặc biệt được chi trả BHYT từ ngân sách Nhà nước, nắm rõ để bảo vệ quyền lợi

Bài thuộc chủ đề "Nóng" vấn đề Bảo hiểm
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/can-can-nhac-lai-quy-dinh-cho-ngan-hang-lam-dai-ly-bao-hiem-187274.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần cân nhắc lại quy định cho ngân hàng làm đại lý bảo hiểm
    POWERED BY ONECMS & INTECH