Cận cảnh 7 khu đất 'vàng' vắng ngắt ở trung tâm Sài Gòn hoa lệ
Tại kỳ họp thứ 13 của HĐND TP.HCM khóa X vừa qua, một trong những vấn đề "nóng" được đại biểu chất vấn là công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, đặc biệt là các khu đất "vàng" ở trung tâm thành phố.
Theo số liệu của UBND quận 1, địa bàn có 26 khu "đất vàng", với tổng diện tích hàng chục nghìn m2 đang bỏ trống hoặc dang dở nhiều năm. Trong đó có 7 dự án tọa lạc ở những vị trí đắc địa bậc nhất thành phố có diện tích lớn như: 133 Nguyễn Huệ (Toà nhà Thương xá Tax, 9.000m2); 87 Cống Quỳnh (hơn 8.000m2); 2-4-6 Hai Bà Trưng (6.000m2); 8-12 Lê Duẩn (5.000m2), khu tứ giác Bến Thành (3.800m2)... Trong số này, 15 dự án để đất trống (hai nơi đang làm bãi xe). Còn lại, 11 khu xây dựng dở dang.
Khu đất dự án The Spirit of Saigon
Nằm ở khu tứ giác Bến Thành, dự án The Spirit of Saigon từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng, điểm nhấn kiến trúc mới của TP.HCM. Vị trí dự án đắc địa, sở hữu 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính, được khởi công 2017 gồm hai tòa tháp được nối với nhau bằng khối đế.
Tòa tháp phía Tây cao 55 tầng bao gồm các tầng văn phòng cho thuê ở nửa dưới và khách sạn ở nửa trên. Tháp phía Đông cao 48 tầng bao gồm các căn hộ, với dịch vụ cung cấp bởi khu khách sạn. Vốn đầu tư được công bố ban đầu là 500 triệu USD, trở thành một trong những "siêu dự án" trên thị trường bất động sản.
Dự án từng nhiều lần đổi tên và chủ đầu tư có liên quan đến sai phạm của tập đoạn Vạn Thịnh Phát hiện đã dừng thi công nhiều tháng nay. Công trình được quây kín bên ngoài, vật liệu xây dựng chất đống ngổn ngang, không bóng người và hiện chưa rõ số phận.
Lô "đất vàng" ở số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh
Lô "đất vàng" ở số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh có diện tích gần 6.300m2 vốn là đất công được UBND TP.HCM giao cho Vinafood II (100% vốn Nhà nước) năm 2015 để đầu tư dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, thời hạn giao đất 50 năm.
Vinafood II sau đó đã hợp tác, liên kết Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) để cùng khai thác khu đất trên (thành lập Công ty TNHH thương mại - xây dựng - dịch vụ Việt Hân Sài Gòn), rồi thoái vốn khiến toàn bộ khu đất rơi vào tay tư nhân.
Tổng giá trị các khu đất lúc đó được xác định là 730 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ ước tính tiền sử dụng đất của 4 khu đất vào năm 2015 hơn 1.979 tỉ đồng. Quá trình hợp tác triển khai dự án, Vinafood II đã 4 lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đến tháng 9.2022, chính quyền TP.HCM đã thu hồi các khu đất.
Hiện phần lớn diện tích của khu đất này được sử dụng để làm bãi giữ xe và vẫn còn một số nhà ở. Năm ngoái, thành phố quyết định thu hồi hai lô đất, giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố tiếp nhận, quản lý và đề xuất phương án sử dụng.
>> Thông qua dự án cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành hơn 17.000 tỷ
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Nằm ở quận 3, dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũng bỏ hoang nhiều năm nay. Khu đất có vị trí “vàng” gồm bốn mặt tiền đường trung tâm TP.HCM: Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần (quận 3) đã từng là địa điểm gắn liền với các hoạt động văn hóa, thể thao quen thuộc của người dân TP.HCM. Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3/2010.
Chủ đầu tư là Liên doanh Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (Địa ốc Phát Đạt). Dự án có mức đầu tư ban đầu là 988 tỷ đồng. Đến năm 2013, công trình đội giá lên 1.352 tỷ, ba năm sau tăng lên 1.953 tỷ, gấp đôi so với ban đầu. Công trình chậm trễ do thành phố chưa chọn được vị trí đất để thanh toán cho nhà đầu tư.
Khu đất rộng 14.400m2 của dự án cỏ cây mọc kín, một phần tận dụng làm nơi chứa máy móc, sắt thép, vật liệu xây dựng... Bên ngoài hàng rào một phần làm nơi tập kết rác.
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn với 4 mặt tiền, nằm đối diện trụ sở UBND quận 1 và sát vách với Trung tâm thương mại Diamond Plaza cũng bỏ hoang nhiều năm nay, hiện tận dụng làm bãi giữ xe. Vị trí này theo dự kiến sẽ thực hiện dự án Lavenue Crown với 36 tầng, là căn hộ hạng sang, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại.
Nhiều năm qua dự án vẫn im lìm do liên quan tới sai phạm của cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài trong việc chuyển giao đất công cho tư nhân.
Khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng
Tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, sở hữu bốn mặt tiền đường: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Đông Du và một mặt hướng ra Công trường Mê Linh. Khu đất bị bỏ hoang nhiều năm nay do liên quan đến sai phạm của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong việc chuyển nhượng sai.
Toàn khu đất được rào chắn, các bức tường bị vẽ bậy nhếch nhác, một phần vỉa hè tận dụng làm bãi đỗ xe, bên trong cây cỏ mọc um tùm. Năm ngoái, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tiếp nhận khu đất "vàng" này để quản lý.
Khu đất đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi
Cách đó gần một km, khu đất rộng 9.000m2 ở góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi cũng trong tình trạng bỏ hoang. Lô đất vốn là của toà nhà Thương xá Tax cũ, trung tâm thương mại lâu đời, sầm uất bậc nhất thành phố. Sau hơn 130 năm tồn tại, năm 2016 công trình cũ đã được phá dỡ để xây trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí, văn phòng, khách sạn; kết nối nhà ga Metro Số 1... nhưng đến nay chưa thực hiện do gặp một số vướng mắc.
Bên trong lô đất trống được tận dụng làm nơi để đồ đạc của các hàng quán quanh khu vực. Mới đây, quận 1 đề xuất thành phố tận dụng khu đất làm nơi giữ xe nhưng chưa thực hiện. Khu đất thuận tiện làm bãi giữ xe phục vụ khách đến tham quan khu vực công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng...
Hiện mỗi ngày những địa điểm này thu hút khoảng 2.000 khách đến vui chơi và tăng 2-3 lần ngày cuối tuần, dịp lễ. Tuy nhiên, khu vực trung tâm thành phố thiếu bãi giữ xe nên nhiều người đậu xe dưới lòng lề đường, gây ùn tắc.
Khu đất của dự án tòa tháp SJC
Gần đó là khu đất của dự án tòa tháp SJC, trước đây là toà Trung tâm thương mại ITC. Khu đất nằm giữa khu tứ giác ở trung tâm quận 1 gồm: Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Trung Trực, Lê Lợi với tổng diện tích hơn 3.800m2. Theo thiết kế, tháp cao 208m gồm 54 tầng cao và 6 tầng hầm. Khi hoàn thành, tòa nhà sẽ cao thứ 3 thành phố so với các công trình hiện hữu.
Dự án phê duyệt 2007 có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 4 năm nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, không có dấu hiệu thi công.
Bên trong dự án cũng chỉ là một bãi đất trống, bao bọc bởi hàng rào tôn thành nơi để xe. Năm 2015, TP.HCM đã có quyết định thanh tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc chậm triển khai dự án.
Tại kỳ họp HĐND thành phố chiều 7/12, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cho biết, thời gian tới thành phố tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98 và Kết luận 14 của Bộ Chính trị để đề xuất tạm thời khai thác quỹ đất vàng, nhà đất công chưa sử dụng, sau khi trừ chi phí quản lý, nguồn thu sẽ bổ sung vào ngân sách.
Thanh Hóa chính thức chốt giá khu đất 'vàng' hơn 10ha, khởi điểm hơn 450 tỷ đồng
Đìu hiu hoang vắng những khu đất 'kim cương' cạnh sân bay Long Thành