Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cùng bộ ngành có liên quan đẩy mạnh tái cơ cấu, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh.
Mới đây, phát biểu khai mạc phiên chất vấn 6/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 với nội dung chất vấn tập trung vào bốn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Ủy ban Dân tộc.
Trước tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, báo cáo tính đến ngày 24/1 có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), tập trung ở các ngành nghề: dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ...
Có 637.491 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường.
Nguyên nhân là do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu. Xung đột quân sự giữa Nga — Ukraine; sự cạnh chiến lược giữa các nước lớn; sự gia tăng bảo hộ thương mại; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt...đã làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm. Bên cạnh đó, một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. (Thâm dụng lao động - Labor Intensive - dùng để chỉ một quá trình hoặc ngành công nghiệp đòi hỏi một lượng lớn lao động để sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ).
Nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế và biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách ứng dụng khoa học công nghệ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, trong tổ chức thực hiện chính sách và chế độ về bảo hiểm xã hội.
Về phía Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp.
Thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng...
Bên cạnh đó, cũng nâng cao vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó đẩy mạnh tư, giới thiệu việc làm để người lao động quay trở lại thị trường lao động.