Theo các chuyên gia, việc đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất đã giúp hoa Trung Quốc có nhiều lợi thế, đặc biệt là về giá.
Hoa cắm cành độc lạ tràn ngập thị trường
Năm nay, thay vì chọn mua cúc, thược dược, layơn nội địa như mọi năm, nhiều người chọn mua mộc lan - một loại hoa cành được nhập từ Trung Quốc, đang là “hot trend” tại Hà Nội để cắm Tết. Cây mộc lan được bán mấy năm nay ở Việt Nam nhưng khó chăm sóc và ra bông nên nhiều người vẫn rất tò mò. Năm ngoái, rất nhiều người phải mua hoa nhựa để cắm cành nhưng năm nay đã có cành tươi.
Loài hoa này đẹp nhất là khi đang chúm chím nở. Hoa có mùi thơm ngát, màu sắc nhẹ nhàng, ấm áp, rất phù hợp với ngày tết. Hoa mộc lan thường được bán theo bó, bó nhỏ có giá gần 200.000 đồng/ba cành. Để cắm vào bình gốm lớn, khách hàng còn phải tốn thêm tiền mua bình cắm.
Một đầu mối chuyên bỏ sỉ và lẻ hoa Trung Quốc tại TP. Hà Nội cho biết, năm nay, hoa mộc lan được rất nhiều người tìm mua do nó “độc lạ”. Hơn nữa, đây cũng là loài hoa tượng trưng cho mùa xuân, phù hợp với văn hóa phương Đông khi chào đón năm mới. Những ngày gần đây, đơn đặt mua hoa mộc lan đếm không xuể do nhiều dân văn phòng cũng mua để bán online.
Ngoài hoa mộc lan, các loài hoa khác nhập từ Trung Quốc cũng đang “phủ sóng” trên thị trường trong những năm gần đây, như hoa thanh liễu, đào đông, đỗ quyên “ngủ đông”, tầm xuân, tuyết mai. Có thể dễ dàng tìm mua các hoa này, không chỉ ở các shop online chuyên bán hoa Trung Quốc nhập khẩu mà ở tất cả chợ cóc, chợ đầu mối hay các cửa hàng hoa.
Một trong những điểm khiến các loài hoa cắm cành này được người dân ưa thích là mới lạ, màu sắc bắt mắt, có thể cắm trong thời gian dài, có khi cả tháng trời. Người thưởng hoa vừa có thể cắm sớm mà vẫn chơi được cho tới qua tết. Bởi vậy, nếu xét về tính kinh tế, mức giá từ 200.000 - 500.000 đồng cho một lọ hoa vẫn rẻ.
Hoa không độc lạ cũng đổ bộ
Không chỉ cạnh tranh ở những mặt hàng “độc lạ”, khó trồng tại Việt Nam, những năm gần đây, các loài hoa phổ biến như cúc, thược dược, lan… từ Trung Quốc cũng cạnh tranh khốc liệt với hàng Việt.
Cúc Việt Nam trên thị trường có giá khoảng 80.000 - 90.000 đồng/chậu nhưng hàng Trung Quốc chỉ khoảng 60.000 đồng/chậu. Cúc Trung Quốc có rất nhiều màu và chủng loại khác nhau, thược dược cũng vậy. Nhiều người cũng phủ nhận ý kiến cho rằng hoa Trung Quốc khó chăm.
Một đầu mối chuyên bỏ sỉ hoa từ tỉnh Lào Cai xuống TP. Hà Nội cho biết, các mặt hàng chính, bán chạy trong dịp tết là cúc. Năm nay, cúc Ping Pong chiếm ưu thế. Ngoài ra, còn có hoa sống đời, đỗ quyên, thậm chí cả đào cảnh có màu sắc giống như đào thất thốn đắt giá của Hà Nội.
Đặc biệt, phổ biến nhất hiện nay là các loài hoa lan. Giá của hoa lan Trung Quốc cũng rất “mềm” so với hoa nội địa. Ví như, địa lan chanh trứng có giá 390.000 đồng/chậu tám cây, tính ra chưa tới 50.000 đồng/cành; hồ điệp vàng mít hai ngồng chưa tới 2,5 triệu đồng/chậu 20 cây loại một tép, tức dưới 125.000 đồng/cây hai ngồng hoa. Nhiều loại lan hồ điệp khác cũng có giá dưới 100.000 đồng/cây.
Người này cũng tiết lộ, đây là giá bán theo thùng, còn nếu mua nhiều thùng, số lượng lớn thì giá còn giảm. Người này khẳng định, không chỉ có người buôn hoa ở chợ, hiện nhiều nhà vườn nhỏ cũng lấy hoa lan Trung Quốc về bán bởi nếu trồng với số lượng ít thì không thể cạnh tranh được về giá.
Cần đầu tư, nâng cao vị thế hoa nội
Trao đổi với báo chí, GS.TS Trần Duy Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Chủ tịch Hội Hoa lan TP. Hà Nội cho biết, năm nay, sức tiêu thụ lan trong nước vẫn tốt với số lượng đã bán khoảng 95%. Tuy nhiên, thực tế, các nhà vườn đã giảm số lượng trồng tới khoảng 25% so với năm trước. Bên cạnh lo ngại tác động của COVID-19 tới sức mua, các nhà vườn còn ngại cạnh tranh với hoa lan Trung Quốc.
Theo ông Trần Duy Quý, hoa lan ở Trung Quốc được ươm trồng công nghiệp trên quy mô lớn nên giá rẻ hơn so với hoa lan của Việt Nam. Hoa lan Trung Quốc được chăm sóc với chế độ cao cấp, sử dụng nhiều thuốc nên có năng suất cao. Ông nói: “Nếu Việt Nam sản xuất trên quy mô lớn thì giá thành cũng sẽ như vậy. Nói vậy để thấy, cần đầu tư hơn nữa không chỉ với hoa lan mà còn với ngành sản xuất hoa của Việt Nam nói chung”.
Ông cho rằng, nhiều năm qua, Việt Nam tập trung vào phát triển nông nghiệp với mặt hàng chủ lực là lúa gạo, ngô khoai mà bỏ quên phát triển hoa, sinh vật cảnh nên đã đi sau nhiều nước trong khu vực và thế giới như Thái Lan, Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường sinh vật cảnh trên thế giới hiện nay đang thu tiền về gấp nhiều lần so với lúa gạo.
Điều này đòi hỏi Việt Nam phải mạnh dạn hơn trong lĩnh vực sinh vật cảnh để vừa tăng thu nhập, vừa khẳng định được thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
“Chúng ta phải đầu tư kinh phí, công nghệ vào sản xuất. Trong tương lai, muốn hòa nhập và cạnh tranh với quốc tế, cần đào tạo nông dân thành những người có tri thức để tham gia sản xuất. Nhà nước hiện nay đã chú ý tới lĩnh vực này, nhưng cần tập trung đầu tư hơn nữa, quảng bá thương hiệu của Việt Nam. Phải đổi mới, lắng nghe ý kiến của những chuyên gia tiếp cận được những thông tin, xu hướng hiện đại của thế giới” - ông Trần Duy Quý phân tích.
GS.TS Trần Duy Quý dẫn chứng về câu chuyện của chính mình khi đưa giống hoa ly vào Việt Nam năm 2000: “Lúc đó là cách đây 21 năm, ai cũng bảo tôi dở hơi. Nhưng sau đó đúng 10 năm, hoa ly đã thực sự phát triển và hiện giờ tràn ngập thị trường.
Hoa ly nội địa đã “đánh” lại được với hoa ly nước ngoài và chúng ta không còn phải nhập khẩu nữa”. Do đó, ông nhấn mạnh, để nâng sức cạnh tranh của hoa Việt, cần mạnh dạn đầu tư cái mới, triển khai bài bản, áp dụng khoa học công nghệ. Có thể giao cho doanh nghiệp lớn đầu tư. Ông tin rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng tới nay vẫn chưa khơi dậy, nên cần một đòn bẩy đủ mạnh để mang lại các giá trị kinh tế lớn hơn.