Trước khi xuống tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần xem xét mức độ uy tín của tổ chức phát hành, cũng như tìm hiểu phương án phát hành có được tư vấn bởi các tổ chức, các công ty chứng khoán chuyên nghiệp, uy tín trên thị trường hay không?
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, thị trường chứng khoán trong nước với đại diện là VN-Index liên tục xô đổ các kỷ lục thiết lập trước đó. Kết phiên 30/6, VN-Index dừng tại 1.408,55 điểm - tăng 70% so với thời điểm một năm trước đó và trở thành chỉ số tăng mạnh nhất toàn cầu.
Trong buổi chia sẻ với chủ đề "Kinh tế vĩ mô có cần cho đầu tư chứng khoán" thực hiện bởi SSI Research và VTV24 Money sáng ngày 21/7, ông Lê Quý Hải, Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ SSI cho biết, một trong những nguyên nhân thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ việc các quốc gia áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng.
Như tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 có tới ba lần điều chỉnh lãi suất điều hành đồng thời quy định trần lãi suất đối tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.
Việc giảm lãi suất tiền gửi khiến cho đồng vốn rẻ đi dẫn tới việc các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm ngân hàng không còn mang lại tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn cho người dân. Trong bối cảnh đó, dòng tiền trong nền kinh tế có xu hướng chuyển dịch từ tiết kiệm sang các loại hình đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ...
"Chúng ta có thể thấy lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian qua là rất lớn, điều này có thể thấy rõ ở thanh khoản các phiên giao dịch. Nhà đầu tư không ít lần chứng khiến các phiên giao dịch vượt 30.000 tỷ đồng và với xu hướng dòng tiền như hiện nay, thị trường chứng khoán sẽ vẫn là một trong những kênh đầu tư thu hút dòng tiền ngắn hạn của các nhà đầu tư", ông Hải dẫn chứng.
Tiếp nối câu chuyện nhà đầu tư đang tìm kiếm các kênh đầu tư sinh lợi hiệu quả, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, trái phiếu doanh nghiệp nổi lên và trở thành một trong những kênh thu hút lượng tiền lớn từ nhà đầu tư.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, tạo nên một “làn sóng” thì nhà đầu tư càng cần tỉnh táo. Trong thông báo phát đi mới đây, Bộ Tài chính cũng cảnh báo nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu bởi lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.
Về vấn đề này, ông Lê Quý Hải cho biết, các tổ chức phát hành thường sử dụng một phần tài sản cố định làm tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu phát hành quy mô lớn với cả hai hình thức chào bán riêng lẻ và huy động vốn ra công chúng.
Tuy nhiên, xuất phát từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng rất mạnh từ vùng đáy tháng 3/2020, dẫn đến việc giá cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng, các doanh nghiệp niêm yết sẽ sử dụng cổ phiếu thay cho tài sản cố định làm tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ phát hành trái phiếu. Đây là một trong các phương thức khá thuận lợi cho các tổ chức phát hành khi giá cổ phiếu tăng.
Ông Hải cho rằng, trước khi xuống tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần xem xét mức độ uy tín của tổ chức phát hành, cũng như tìm hiểu phương án phát hành có được tư vấn bởi các tổ chức, các công ty chứng khoán chuyên nghiệp, uy tín trên thị trường hay không?
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên đánh giá về tính an toàn của cấu trúc trái phiếu. Trái phiếu có được đảm bảo bằng tài sản không và nếu có thì tính pháp lý và thanh khoản của tài sản này ở mức độ nào? Từ việc xem xét các yếu tố trên, nhà đầu tư có thể tự đánh giá có nên phân bổ tài sản của mình vào trái phiếu doanh nghiệp hay không.
Ngoài đầu tư chủ động, ông Hải cũng đưa ra lời khuyên rằng các nhà đầu tư có thể tìm đến các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp để có thể tham gia vào các hợp đồng ủy thác toàn phần hoặc bán toàn phần dưới nhiều hình thức, từ đó có thể giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.