‘Cú đấm thép’ 85.000 tỷ đồng vận hành, tỷ phú Trần Đình Long tậu ngay siêu tàu 110.000 DWT để gom nguyên liệu toàn cầu
Tập đoàn Hòa Phát vừa đưa vào khai thác tàu hàng rời 110.000 DWT - lớn nhất đội tàu hiện tại, phục vụ nhập khẩu khối lượng lớn quặng sắt, than từ Australia, châu Mỹ, nội Á. Doanh nghiệp đặt mục tiêu sở hữu 15 - 20 tàu trong thời gian tới.
Ngày 2/7, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) chính thức đưa vào khai thác tàu hàng rời The Momentum với tải trọng 110.000 DWT - tàu biển lớn nhất trong đội tàu hiện tại. Sự kiện đánh dấu bước tiến trong chiến lược mở rộng năng lực vận tải biển và chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc sản xuất tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất.
Với tổng diện tích 700ha, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất có công suất thiết kế 11,6 triệu tấn thép/năm. Trong đó, Dung Quất 1 đã đi vào hoạt động đồng bộ từ năm 2021 với công suất 6 triệu tấn/năm, gồm 3 triệu tấn HRC và 3 triệu tấn thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao.
Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất 5,6 triệu tấn HRC chất lượng cao mỗi năm, đang được triển khai đúng tiến độ đề ra. Phân kỳ 1 của dự án đã vận hành và bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh từ cuối tháng 3/2025. Phân kỳ thứ 2 của dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
![]() |
Hòa Phát đưa vào khai thác tàu hàng rời The Momentum với tải trọng 110.000 DWT |
Tàu do CTCP Vận tải biển Hòa Phát - đơn vị thành viên của Tập đoàn trực tiếp vận hành. So với tàu Kamsarmax (80.000 DWT) đang khai thác, The Momentum cho phép chở nhiều hơn gần 40% khối lượng hàng mỗi chuyến, đặc biệt phù hợp với các tuyến vận chuyển quốc tế dài ngày, nhập khẩu khối lượng lớn quặng sắt, than từ Australia, châu Mỹ, nội Á.
The Momentum được thiết kế phù hợp với các tuyến biển quốc tế và có thể cập cảng nước sâu như Dung Quất - nơi tiếp nhận phần lớn nguyên liệu cho các nhà máy luyện thép của Tập đoàn.
Theo ông Doãn Quang Thịnh, Giám đốc CTCP Vận tải biển Hòa Phát, việc đầu tư tàu lớn là bước đi chiến lược nhằm chủ động chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vận tải thuê ngoài và kiểm soát tốt hơn chi phí logistics. Đội tàu cũng được phát triển đa dạng về kích cỡ, từ tàu lớn phục vụ nhập khẩu đến tàu nhỏ phục vụ tiêu thụ nội địa.
Về dài hạn, Hòa Phát dự kiến nâng quy mô đội tàu lên 15 - 20 chiếc, chủ yếu là tàu tải trọng lớn, không chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ mà còn cung cấp dịch vụ logistics cho các đối tác trong và ngoài nước. Đây là một phần trong chiến lược đưa Hòa Phát trở thành 1 trong 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, thông qua mở rộng sản xuất và kiểm soát chặt chi phí chuỗi cung ứng toàn cầu.
>> Hòa Phát (HPG) báo tin vui sau quyết định chặn đường tuồn thép giá rẻ Trung Quốc của Bộ Công Thương