Tài chính Ngân hàng

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo 'đổi tiền mới không mất phí' nở rộ dịp Tết

Trâm Anh 29/01/2024 - 18:15

Năm nay, hoạt động rao đổi tiền mới trên mạng xã hội rầm rộ hơn mọi năm, các chiêu trò lừa đảo cũng nhiều hơn.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, hàng loạt bài đăng, nhóm cộng đồng mời chào đổi tiền mới, tiền lì xì "độc-lạ" xuất hiện dày đặc trên các mạng xã hội, các trang tìm kiếm.

Tùy vào mệnh giá và số lượng mà phí đổi tiền rất chênh lệch và càng gần Tết, phí này càng tăng cao. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp bị lừa đảo, tiền mất tật mang khi thực hiện đổi tiền qua mạng.

>> Nỗi ám ảnh của nhân viên ngân hàng ngày gần Tết

Loại tiền càng khan hiếm, phí càng cao

Chủ một điểm đổi tiền trên đường Cao Thắng, quận 3, TPHCM cho biết, loại tiền mới 20.000 đồng đang khan hiếm nên phí đổi là 12% và sắp tới có thể lên 15%. Điểm này hiện chỉ còn 1 xấp 100 tờ tiền mới 20.000 đồng.

Các năm trước, tiền mới 20.000 đồng cũng khan hiếm nhưng phí đổi chỉ khoảng 7%, cao nhất là 10% (lúc cận tết). “Kinh tế khó khăn, tờ 20.000 đồng dễ lì xì hơn các mệnh giá khác nên phí đổi bị đẩy lên cao” - người này giải thích.

CASA nhiều ngân hàng quay đầu giảm trong quý II/2022
Loại tiền càng khan hiếm, phí càng cao

Một số nơi rao đổi tiền mới 20.000 đồng có độ mới từ 50-60% với mức phí đổi 5%. Ngọc Như - làm dịch vụ đổi tiền mới ở TP Thủ Đức, TPHCM - nói: “Do nhiều người tiết kiệm chi phí nên họ muốn đổi loại tiền này hơn loại tiền có độ mới 100%”.

Ở các điểm đổi tiền mới khác, phí đổi tiền có mệnh giá 10.000, 50.000 đồng là 7-8%, các mệnh giá 2.000, 5.000, 100.000 và 200.000 đồng là 2-5%, phí đổi tờ tiền 1 USD là 5.300 đồng/tờ, tờ tiền 2 USD là 10.600 đồng/tờ.

Ngoài tiền VNĐ mới đủ mọi mệnh giá, các bài đăng trên còn rao bán một số loại tiền nước ngoài khác như các đồng 2 USD tượng trưng cho sự may mắn, đồng USD mạ vàng có in hình rồng, tờ tiền có những biểu tượng "Thuận buồm xuôi gió," "Mã đáo thành công"..., giá thường từ 200.000-360.000 đồng/tờ tùy theo số lượng.

Một nhân viên tín dụng của Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cho biết, các năm trước, nhân viên nào cần, đều đổi được các loại tiền mới 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng nhưng năm nay chỉ đổi được các tờ có mệnh giá từ 100.000 đồng trở lên do Ngân hàng Nhà nước không in tiền có mệnh giá nhỏ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM - thông tin, những năm qua, NHNN có chủ trương không phát hành tiền mới có mệnh giá nhỏ vào dịp tết Nguyên đán nhằm tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí (người dân thường dán, rải tiền lẻ ở chùa, miếu). Nhờ không phát hành tiền lẻ mới vào dịp tết, từ năm 2019 đến nay, NHNN tiết kiệm được hơn 3.500 tỉ đồng.

Tiền mất tật mang

Năm nay, dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội rầm rộ hơn mọi năm. Nhiều người rao đổi tiền mới với phí đổi rẻ hơn 2-3% so với mức phí chung trên thị trường, cam kết giao tiền tận nhà. Điều đáng chú ý là phần lớn tài khoản nhận đổi tiền trên Facebook đều mới được lập, thông tin chủ tài khoản rất mơ hồ.

Mới đây, quản trị viên một nhóm trên Facebook đã đăng cảnh báo về việc xuất hiện các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc đổi tiền lì xì, nên sẽ không duyệt đăng các bài rao đổi tiền mới. Các hình thức lừa đảo gồm rút bớt tiền trong xấp tiền mới, nhận tiền cọc rồi chặn liên lạc.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo 'đổi tiền mới không mất phí' nở rộ dịp Tết
Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo "đổi tiền mới"

Chị Bùi Diễm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi từng tìm đến ngân hàng để đổi tiền mới nhưng hầu như các phòng giao dịch đều báo không có nên đành đổi tiền trên mạng. Có lần chuyển tiền thanh toán cho một tài khoản trên mạng xong, đến sát Tết vẫn chưa thấy tiền mới được chuyển tới. Liên hệ lại mới biết họ đã chặn số điện thoại, chặn cả tin nhắn Facebook của mình. Không có cách nào liên lạc được nên đành chấp nhận mất tiền."

Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - tình trạng lừa đảo đang gia tăng ở Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung do nền kinh tế đang diễn biến phức tạp. Những giao dịch nào đang diễn ra sôi động đều bị đối tượng lừa đảo tập trung khai thác. Cận tết, các đối tượng này thường rao bán sản phẩm làm đẹp, vé máy bay, đổi tiền lì xì với giá rẻ hơn mức bình thường, kèm theo các sản phẩm khuyến mãi tri ân để thu hút sự quan tâm, dẫn dụ khách hàng chuyển khoản tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Theo ông, khi mua hàng hoặc chọn dịch vụ trên mạng xã hội, nên tìm hiểu kỹ thông tin, không nên chuyển tiền khi không biết rõ người bán, điểm bán là ai; tốt nhất là chọn hình thức thanh toán sau khi đã nhận được hàng.

Lý giải việc tiền mới vẫn được rao đổi rầm rộ dù NHNN hạn chế phát hành, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, các điểm rao đổi trên mạng xã hội đều đăng hình các cọc tiền được sản xuất vào các năm 2020, 2021. Những năm trước, các ngân hàng chi ra nhiều tiền mới có mệnh giá nhỏ và các điểm này có thể đã đến đổi rồi để dành. Hiện chỉ có chi nhánh NHNN các tỉnh, thành, các tổ chức tín dụng mới được phép thu, đổi tiền mới, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức không có chức năng đều vi phạm pháp luật.

>> Cảnh giác với bẫy lừa đảo ‘quà tặng 0 đồng’ để tránh bị chiếm đoạt tài sản

Khuyến cáo chiêu trò lừa đảo xin việc, lên mạng xã hội kêu gọi từ thiện dịp Tết

4 hình thức lừa đảo trực tuyến tiêu biểu dịp giáp Tết Nguyên đán 2024

Lừa đảo bằng hình thức gom hụi, 1 người phụ nữ bị khởi tố

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/canh-bao-chieu-tro-lua-dao-doi-tien-moi-khong-mat-phi-no-ro-dip-tet-221632.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo 'đổi tiền mới không mất phí' nở rộ dịp Tết
POWERED BY ONECMS & INTECH