Cảnh báo xuất hiện xoáy cực bất thường tại Nam Cực, không chủ quan trước dấu hiệu 'thủng' tầng ozone
Các nhà khoa học vừa phát hiện xoáy cực bất thường tại Nam Cực, không chủ quan trước dấu hiệu lỗ thủng tầng ozone đang chậm phục hồi.
Các nhà khoa học vừa phát hiện hiện tượng xoáy cực bất thường tại Nam Cực, đồng thời cảnh báo rằng chúng ta không nên quá lạc quan trước những dấu hiệu tích cực về lỗ thủng tầng ozone. Các đợt ấm lên đột ngột và hiếm gặp đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống gió xoáy cực tại khu vực này, khiến chu kỳ hình thành lỗ thủng tầng ozone bị biến đổi.
Tầng ozone nằm ở độ cao từ 20 đến 50km trên bề mặt Trái Đất, là lớp bảo vệ quan trọng giúp ngăn chặn tia cực tím nguy hiểm từ Mặt Trời. Lỗ thủng tầng ozone tại Nam Cực thường xuất hiện vào mùa xuân của bán cầu Nam, tức là từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Dữ liệu cho thấy từ năm 1979, tầng ozone đã bắt đầu suy giảm và lỗ thủng hình thành từ tháng 8. Tuy nhiên, trong năm nay lỗ thủng này xuất hiện muộn hơn, đến cuối tháng 8 mới bắt đầu hình thành.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do hai đợt ấm lên bất thường vào tháng 7 và tháng 8. Nhiệt độ tại tầng bình lưu trên Nam Cực đã tăng đến 15 và 17 độ C, một hiện tượng hiếm gặp nhưng đang dần trở nên phổ biến hơn. Dù các nhà khoa học chưa xác định chính xác nguyên nhân của hiện tượng này, họ nhận thấy sự biến động thời tiết bất thường tại tầng đối lưu - lớp khí quyển ngay sát bề mặt Trái Đất - với nhiệt độ bề mặt đạt mức kỷ lục trong tháng 7.
Paul Newman - nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA, cho biết việc xác định chính xác nguyên nhân của các đợt ấm lên này rất phức tạp. Nhiệt độ bề mặt nước biển và các hiện tượng khí tượng khác đều có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những điều kiện bất thường này.
Lỗ thủng tầng ozone thường hình thành khi có sự kết hợp giữa xoáy cực mạnh, bức xạ Mặt Trời và các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS). Xoáy cực mạnh, với đặc trưng là luồng gió mạnh và nhiệt độ cực thấp, đã tạo điều kiện cho lỗ thủng tầng ozone năm ngoái lan rộng, có diện tích lớn hơn cả Bắc Mỹ. Tuy nhiên, năm nay, xoáy cực yếu hơn và có hình dạng kéo dài bất thường, khiến quá trình suy giảm tầng ozone diễn ra chậm hơn dù ánh sáng mặt trời đã quay trở lại vào cuối tháng 8 sau kỳ đêm vùng cực.
Lỗ thủng tầng ozone thường bắt đầu từ rìa ngoài của xoáy cực và dần mở rộng vào bên trong. Lỗ thủng này kéo dài suốt mùa xuân của bán cầu Nam và thường biến mất khi nhiệt độ tăng lên vào mùa hè, khoảng tháng 12.
Nguyên nhân chính gây ra lỗ thủng tầng ozone là do con người thải ra lượng lớn hóa chất ODS vào khí quyển. Những nỗ lực quốc tế, như việc ký kết các hiệp định cấm sử dụng ODS, chẳng hạn chlorofluorocarbons (CFCs) từng được sử dụng trong tủ lạnh và điều hòa không khí đã giúp giảm đáng kể tình trạng này.
Dù có nhiều bằng chứng cho thấy lỗ thủng tầng ozone đang dần phục hồi, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng sự chậm trễ trong chu kỳ hình thành lỗ thủng không phải là dấu hiệu của sự hồi phục hoàn toàn. Sự phục hồi của tầng ozone phụ thuộc vào nhiều yếu tố hóa học và khí tượng phức tạp.
Nếu các quốc gia tiếp tục tuân thủ các điều ước quốc tế và ngừng sử dụng ODS, lỗ thủng tầng ozone có thể hoàn toàn phục hồi trong khoảng 40 năm tới. Tuy nhiên, kích thước và mức độ hoạt động của lỗ thủng vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như biến động khí tượng, các nguồn ODS tự nhiên và nhân tạo, cũng như tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
>> Phát hiện tiểu hành tinh nhỏ 'xâm nhập' khí quyển Trái đất, nổ trên vùng biển Philippines