Mùa hè 2023, nắng nóng đang vào giai đoạn cao điểm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Cũng từ các vụ cháy này cho thấy, một lần nữa, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang tồn tại rất nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
“Bà hỏa ghé thăm”
Vào khoảng 0 giờ 40 phút ngày 28/5, Trung tâm Chỉ huy của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ- PC07 Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 18 đường Lê Sao, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. 45 chiến sỹ cùng 7 xe chữa cháy nhanh chóng đến hiện trường.
Khi đến nơi, căn nhà 3 tầng đã chìm trong biển lửa. Lực lượng chức năng nỗ lực triển khai nhiệm vụ. Đến 3 giờ 20 phút, đám cháy mới được lực lượng chữa cháy dập tắt hoàn toàn và cứu được hai người đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn đã làm một người chết và hai người khác bị bỏng nặng. Hoả hoạn cũng thiêu rụi 378m2 của căn nhà.
Ngày 26/5, một vụ hỏa hoạn cũng xảy ra giữa đêm tại căn nhà số 99/7/7 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Hậu quả khiến một người chết và một người bị bỏng, còn lửa cũng tàn phá căn nhà.
Trước hai vụ cháy làm 2 người chết và 3 người bị bỏng nặng này, từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, thương tâm là vụ cháy ngày 12/5 tại số 144, phố Văn Cao, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng làm 3 người tử vong và vụ cháy ngày 13/5, tại ngôi nhà 3 tầng 1 tum trên phố Thành Công, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội khiến 4 bà cháu tử vong.
Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, khu vực xảy ra cháy xảy ra trên diện tích đất khoảng 50 m2, trong đó phần cháy nằm trong ngôi nhà dạng ống, diện tích xây dựng khoảng 40 m2, cao 3 tầng, 1 tum, diện tích sân trước khoảng 5 m2 (lợp mái tôn), kết cấu chính bê tông cốt thép, tường xây gạch. Tuy nhiên, điều đáng nói là toàn bộ mặt trước và các mặt tiếp giáp 2 bên với nhà hàng xóm bên cạnh đều được chủ hộ rào chắn bằng hệ thống khung sắt, bịt kín phía trước giống như "chuồng cọp" để chống trộm.
Đáng nói, trước vụ cháy gây hậu quả đau lòng ở Hà Đông, Hà Nội nói trên, thời gian qua, cả nước đã xảy ra không ít vụ cháy gây những bi kịch đau lòng từ hiểm hoạ của những “chuồng chim”, “chuồng cọp”. Nghĩa là những ngôi nhà có gắn lồng sắt bao quanh ban công, sân thượng thường không có lối mở. Thực tế cho thấy, hầu hết các tập thể cũ ở Hà Nội đang tồn tại tình trạng hộ dân cơi nới thêm chỗ ở theo dạng "chuồng chim”, thì không ít hộ tại các chung cư cao tầng, khu đô thị mới lại lắp đặt lồng sắt làm “chuồng cọp” nhằm mục đích bảo đảm an ninh, an toàn.
Chính những “chuồng chim”, “chuồng cọp” này đã bịt lối thoát hiểm của mỗi căn hộ tại các tập thể, chung cư, khu đô thị mới này.
Nêu cao ý thức phòng chống cháy, nổ
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 398/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả và điều tra nguyên nhân vụ cháy làm 4 người tử vong tại số 24 phố Thành Công, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Trong công điện, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm trong công tác phòng, chống cháy nổ gây hậu quả đau lòng nói trên, một lần nữa, xã hội lại nhức nhối câu hỏi do đâu cháy nổ liên tiếp xảy ra, nhất là tại các khu dân cư. Và mỗi khi xảy ra cháy là thương vong, là mất mát to lớn và làm thế nào để "giặc lửa" không còn hoành hành, gây ra những hậu quả đau lòng?
Theo một cán bộ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), đáng lo hơn là hiện nay hầu hết các gia đình tự trang bị, mua sắm thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong gia đình chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Mặc dù trong các cuộc tuyên truyền, khuyến cáo người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy, các cán bộ chiến sỹ đã phân tích tầm quan trọng và sự cần thiết của việc có bình chữa cháy trong nhà là cách tự cứu mình..."Nguyên nhân là nhiều gia đình còn e ngại và có phần "duy tâm" cho rằng "mua về sợ... đen,"- cán bộ này cho biết.
Trong khi đó, theo vị cán bộ này, nguyên nhân cháy hiện nay rất đơn giản, xuất phát từ những thói quen hằng ngày mà không ai ngờ tới. Điển hình việc quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà; rò rỉ điện từ các thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy nước nóng cũ; dây điện bị trầy xước do chuột cắn gây chập điện; lắp đặt đèn chiếu sáng quá sát với trần nhà...
Nên muốn hạn chế tối đa số vụ cháy xảy ra, hơn bao giờ hết ý thức tự phòng của người dân phải được nâng lên. Việc mua sắm các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho gia đình, cơ quan, xí nghiệp... cũng rất cần thiết và trong mỗi chúng ta, ai cũng nêu cao ý thức phòng cháy chữa cháy thì chắc chắn "giặc lửa" sẽ không thể hoành hành.
Thực hiện đúng quy định về phòng cháy, chữa cháy
Báo cáo mới đây của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã cho thấy: Tháng 4/2023, toàn quốc đã xảy ra 117 vụ cháy, làm chết 7 người, bị thương 12 người; thiệt hại tài sản ước tính xấp xỉ 27 tỷ đồng và 19,8 ha rừng. Hỏa hoạn lớn, nhỏ đã liên tiếp xảy ra từ đầu mùa hè 2023 đến nay và với nhiều loại hình cháy phức tạp khác nhau, từ cháy nhà dân, cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đến cháy nhà ở kết hợp kinh doanh.
Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Tình hình cháy tại khu dân cư, nhà dân đang diễn biến phức tạp, chiếm tỷ lệ cao, tới 38,4%.
Như vậy, tình hình rất phức tạp về cháy nổ vào mùa nắng nóng 2023 cũng như cảnh báo về nguy cơ “bà hỏa” ghé thăm nếu các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy chưa được chú trọng đúng mức.
Nhận định mùa hè 2023 nắng nóng tiềm ẩn những hậu họa cháy, nổ ngày một tang, Bộ Công an đã đưa ra những khuyến cáo với nhiều biện pháp phòng cháy nhà dân.
Theo đó, các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ. Các gia đình cần trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dựng những phương tiện này.
Mỗi gia đình cần chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm…
Các gia đình không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ người dân phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Một lưu ý nữa được Bộ Công an khuyến cáo đó là, các hộ dân không nên thiết kế, lắp đặt "chuồng cọp", trường hợp cần thiết nên bố trí ô cửa để thoát hiểm. Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình biết.
Các gia đình nên hạn chế để trẻ em ở nhà một mình, không để trẻ em chơi đùa tại khu vực ban công. Khi xảy ra cháy, nếu phải băng qua lửa, khói, người dân phải dùng khăn ướt để bảo vệ cơ quan hô hấp; không trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo, trong nhà vệ sinh; trước khi mở cửa dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt...
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng khuyến cáo, bước vào mùa nắng nóng 2023, các đơn vị, cơ sở và hộ gia đình cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, đặc biệt là an toàn trong sử dụng điện và thiết bị điện, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra.
Trước những diễn biến phức tạp từ tình hình cháy nổ vào thời điểm mùa khô, lực lượng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; sử dụng điện an toàn để phòng tránh cháy, nổ. Lực lượng cũng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng App “báo cháy 114” và quan tâm trang thông tin điện tử và Zalo “Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.