Bất động sản

Cao tốc có địa hình phức tạp kết nối Tây Nguyên ra đến biển Đông sẽ xây 3 hầm xuyên qua 2 con đèo

Chi Chi 13/04/2025 12:00

Việc xây dựng 3 hầm đường bộ sẽ đảm bảo phù hợp điều kiện địa hình, an toàn trong vận hành khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư.

Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài gần 125km, đóng vai trò là tuyến giao thông ngang chiến lược, kết nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ với khu vực Tây Nguyên. Tuyến đường có điểm đầu tại thị xã An Nhơn (Bình Định) và điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh thuộc TP. Pleiku (Gia Lai), đi qua địa hình đồi núi phức tạp, trong đó có hai đoạn đèo An Khê và Mang Yang nổi bật với độ dốc lớn và độ quanh co cao.

Cao tốc có địa hình phức tạp kết nối Tây Nguyên ra đến biển Đông sẽ xây 3 hầm xuyên qua 2 con đèo- Ảnh 1.
Hướng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Ảnh: Báo Xây Dựng

Theo báo Xây Dựng, ông Cao Việt Hùng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Ban QLDA 2) cho biết, đèo An Khê có chiều dài khoảng 9km với chênh lệch độ cao hơn 400m, còn đèo Mang Yang dài khoảng 5km, chênh cao hơn 300m. Các phương tiện lưu thông qua hai đoạn đèo này hiện nay chỉ đạt tốc độ trung bình 40 – 50km/h, gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả vận tải, đặc biệt là đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ Kon Tum, Gia Lai về cảng biển Quy Nhơn.

Để khắc phục tình trạng này, Ban QLDA 2 đề xuất xây dựng 3 công trình hầm xuyên núi gồm: Hầm An Khê 1 tại Km35+900 (dài 1.170m), hầm An Khê 2 tại Km37+900 (dài 860m) và hầm Mang Yang tại Km79+200 (dài 3.000m). Mỗi hầm được thiết kế hai ống song song, rộng 10,55m, đảm bảo khai thác hai làn xe an toàn. Giải pháp này nhằm giảm độ dốc, rút ngắn thời gian di chuyển và đảm bảo an toàn vận hành.

>> Trình phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Cao tốc có địa hình phức tạp kết nối Tây Nguyên ra đến biển Đông sẽ xây 3 hầm xuyên qua 2 con đèo- Ảnh 2.
Dự kiến xây dựng 3 công trình hầm xuyên núi qua đèo An Khê và Mang Yang. Ảnh minh họa

Dự án cũng bao gồm 63 cầu trên tuyến chính và 11 cầu vượt ngang, sử dụng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực bền vững, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật lâu dài. Tuyến đường được quy hoạch với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 36.594 tỷ đồng. Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku khi hoàn thành sẽ tạo trục kết nối trực tiếp từ Tây Nguyên ra biển, mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống cảng biển quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc trục dọc quốc gia đang và sẽ được đầu tư. Tuyến đường cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương mà nó đi qua, đặc biệt là hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, dự án còn tạo dư địa phát triển mới, góp phần tăng cường kết nối khu vực, đảm bảo quốc phòng – an ninh và thúc đẩy xóa đói giảm nghèo bền vững tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

>> Cao tốc gần 37.000 tỷ đồng nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung đón tin vui

Tỉnh dự kiến không thực hiện sáp nhập sẽ xây dựng cao tốc dài 105km, kết nối liên thông đến biên giới Việt - Lào

1 tháng nữa, cao tốc gần 5.000 tỷ qua tỉnh lớn thứ 3 Việt Nam sẽ chính thức khởi công

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/cao-toc-co-dia-hinh-phuc-tap-ket-noi-tay-nguyen-ra-den-bien-dong-se-xay-3-ham-xuyen-qua-2-con-deo-202250412150524237.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cao tốc có địa hình phức tạp kết nối Tây Nguyên ra đến biển Đông sẽ xây 3 hầm xuyên qua 2 con đèo
    POWERED BY ONECMS & INTECH