Trình phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định có chiều dài toàn tuyến khoảng 123km với tổng mức đầu tư 36.594 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ về phương án đầu tư xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.
Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thuộc hành lang Đông - Tây có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Đây cũng là tuyến kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn, kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia và là cửa ngõ ra biển của khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối giữa Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt do chênh lệch độ cao lớn.
Theo dự báo, đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang kết nối Gia Lai với Bình Định trung bình khoảng 13.000 - 15.000 xe quy đổi/ngày đêm; trong khi Quốc lộ 19 hiện hữu chỉ đáp ứng được khoảng 11.000 - 12.800 xe quy đổi/ngày đêm.
Do vậy, Bộ GTVT cho rằng việc sớm hình thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tốc độ cao, an toàn, năng lực thông hành lớn là rất cần thiết, làm tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây Nguyên, mở rộng không gian phát triển, phát huy và tận dụng được lợi thế.
Cao tốc có điểm đầu tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh, thuộc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, chiều dài toàn tuyến khoảng 123 km. Dự án được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Riêng các đoạn qua khu vực hầm An Khê và hầm Mang Yang có địa hình khó khăn, nghiên cứu quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Theo kết quả rà soát, cập nhật đến nay của hai địa phương, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 36.594 tỷ đồng.
Bộ GTVT đề xuất, thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư từ năm 2025, thực hiện đầu tư và hoàn thành, khai thác trong giai đoạn 2026-2030.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu phương án đầu tư dự án, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP sang đầu tư công. Đồng thời, giao Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, phối hợp với UBND các tỉnh Gia Lai và Bình Định tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Tập đoàn Sơn Hải đề xuất khai thác sớm, miễn thu phí 1 năm tuyến cao tốc 12.000 tỷ: Liệu có khả thi?
Đầu tư CII muốn tham gia dự án mở rộng cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận