Harland Sanders - cha đẻ của thương hiệu Gà rán KFC - bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 65 với số tiền ít ỏi còn lại - và đã thành công.
Không bao giờ là quá trễ để bắt đầu
Thương hiệu đồ ăn nhanh KFC đã hiện diện rộng khắp, được cả người lớn và trẻ nhỏ biết đến với món Gà rán đặc trưng. Tuy nhiên ít người biết đến, người sáng lập nên thương hiệu nổi tiếng này là Harland Sanders – mà cuộc đời ông là câu chuyện cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp.
Cuộc đời Harland Sanders (1890-1980) trải qua nhiều thăng trầm. Ông mồ côi bố khi mới 6 tuổi, 16 tuổi phải bỏ học. Ông từng lấy vợ, sinh con nhưng rồi vợ ông mang theo con bỏ đi. Ông đã từng trải qua nhiều công việc khác nhau như làm công nhân đường sắt, bán bảo hiểm, làm lính cứu hoả, bán cửa hàng xăng dầu và cả làm trong một quán cafe, vừa nấu ăn vừa rửa bát.
Chính những ngày ở cửa hàng nhỏ này ông phát hiện ra mình có đam mê với việc nấu nướng, và những công thức nấu ăn ngon của ông được hình thành từ đây, đặc biệt nổi tiếng là món gàn rán được tẩm ướp với hương vị riêng.
Tuy vậy, số phận chưa mỉm cười với ông, thời kỳ Kinh tế Thế giới suy thoái, ông rơi vào trạng thái tay trắng, sống bằng trợ cấp thất nghiệp.
Ở tuổi 65, ông đã có ý định tự tử khi không có gia đình, không công việc, sống bằng những đồng trợ cấp ít ỏi. May mắn thay, ở giây phút sinh tử cuối cùng, khi nghĩ lại một lượt những gì đã trải qua, một ánh sáng loé lên: Mình có “vốn” là biệt tài nấu ăn, vậy sao không tiếp tục thử sức?. Với suy nghĩ tích cực đó, ông mang 105 USD còn lại mua nguyên liệu về, làm nên công thức món gà rán tẩm ướp đặc biệt rồi đi gõ cửa các nhà hàng nhằm chào bán công thức kiếm chút tiền mưu sinh. Song mọi chuyện không hề dễ dàng. Hơn 1.000 lần gõ cửa, kết quả vẫn là KHÔNG.
Harland Sanders là một người kiên định, ông vẫn có niềm tin vào sự hấp dẫn của món gà mình làm. Đến lần thứ 1010, ông đã thành công, cái gật đầu của một nhà hàng đã mở ra chương mới cho món gà rán KFC (Kentucky Fried Chicken).
Hình thức kinh doanh hiện đại: Nhượng quyền thương hiệu
Sau đó, Harland Sanders tiếp tục phát triển thương hiệu KFC theo hướng kinh doanh nhượng quyền thương hiệu và KFC cứ thế vươn ra ngoài nước Mỹ, trở thành hệ thống đồ ăn nhanh hiện diện tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sau này khi quá lớn mạnh, Harland Sanders đã chuyển giao KFC lại cho người khác quản lý, nhưng Harland Sanders được xem là cha đẻ của thương hiệu này.
Câu chuyện về cha đẻ thương hiệu KFC, ông Harland Sanders, chính là câu chuyện truyền cảm hứng cho những người muốn khởi nghiệp, rằng KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ TRỄ ĐỂ BẮT ĐẦU.
Ai cũng có thể bắt đầu ngày hôm nay và tạo ra một kết thúc mới
Có một câu châm ngôn rất hay minh chứng cho điều đó là “Không ai có thể quay trở lại và bắt đầu một khởi đầu mới, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu ngày hôm nay và tạo ra một kết thúc mới”. Nhiều người cho rằng thời hoàng kim của việc bắt đầu khởi nghiệp là tuổi trẻ với nhiều nhiệt huyết, tuy vậy thực tế cho thấy yếu tố tuổi tác không liên quan đến việc khởi nghiệp: Tuổi trẻ có ước mơ hoài bão của tuổi trẻ, tuổi già có những kinh nghiệm phong phú của tuổi già trước khi bước vào hành trình mới.
Còn nhớ cách đây 5 năm, tôi gặp anh Thành, một sale bán xe ô tô cho một showroom lớn. Lúc đó anh Thành ở tuổi 29 với đầy nhiệt huyết trong người, từng tâm sự: Em mong muốn được khởi nghiệp, có cái gì đó cho riêng mình, nhưng em vẫn biết, mình cần tích luỹ đủ khả năng trước khi hành động. Lúc đó ước mơ của Thành cũng khá lớn với mong muốn làm nên chuỗi rửa xe tự động, và có thể đưa chuỗi này phát triển về các vùng khác nhau.
Anh Thành cũng tiết lộ: em có lợi thế là nhân viên sale về xe nhiều năm, em hiểu về xe, và biết rõ rửa xe cần những gì tốt cho xe - đây là một kinh nghiệm, một nguồn vốn rất lớn cho ước mơ của mình.
Năm năm sau, gặp lại Thành, anh hiện đang dần thực hiện ước mơ của mình, nghiên cứu và tự chế tạo thành công một hệ thống rửa xe tự động. Thành cho biết, song song với việc thực hiện ước mơ khởi nghiệp, anh vẫn chọn một công việc phù hợp để nuôi sống bản thân và gia đình trước khi thực sự bắt đầu khởi nghiệp: Tất cả không có gì là muộn, chỉ là chờ thời cơ chín muồi.
Rất nhiều bạn trẻ hiện tại chọn khởi nghiệp một cách vội vàng và gánh nhiều thất bại mà không nghĩ rằng tích luỹ kinh nghiệm mới là “vốn” lớn nhất.
Câu chuyện của Harland Sanders cũng là câu chuyện truyền cảm hứng cho những người khởi nghiệp về tính KIÊN TRÌ, NHẪN NẠI. Trải qua hơn 1.000 lần gõ cửa và nhận lấy cái lắc đầu, ông cũng không hề chán nản. Và vận may mỉm cười với ông ở lần thứ 1010 – đây cũng là điều mà ít bạn trẻ khởi nghiệp làm được.
Thành công - là gặp thất bại mà không đánh mất niềm tin
Những con số cụ thể: Thống kê cho thất, 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ta có khoảng 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng trưởng 13,6%; tạo công ăn việc làm cho gần 515.000 lao động – con số này một phần cho thấy nhiệt huyết khởi nghiệp của người dân rất lớn, tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế là 2.730 nghìn tỷ đòng, tăng 30,3%.
Tuy vậy con số buồn là có đến 83,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19%. Con số này cũng thể hiện một phần cho thấy kết quả khởi nghiệp khi chưa chuẩn bị kỹ.
Song nhìn đi cũng phải nhìn lại, số người khởi nghiệp thất bại và chờ thời cơ quay trở lại cũng không hề ít. Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2022 số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian đóng cửa đạt con số 40,7 nghìn – một con số rất lớn. Điều này một phần cũng chứng tỏ sự kiên trì, nhẫn nại đã được đền đáp.
Winston Churchill có câu nói rất hay: “Thành công là gặp phải thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất đi lòng nhiệt huyết”.