Năng lực của bạn cao hay thấp, quan trọng ở chỗ bạn làm việc cùng ai.
Trong rất nhiều bài thuyết giảng, bài nói chuyện của các diễn giả ngày nay, thường lấy các câu chuyện làm ví dụ sinh động cho những bài học trong kinh doanh. Câu chuyện ngụ ngôn Thỏ mượn oai Sư tử là một trong những câu chuyện thường xuyên được đưa ra làm ví dụ nhất. Nguyên nhân bởi chỉ từ một câu chuyện này, diễn giả có thể truyền tải rất nhiều bài học, những luận điểm trong quản lý đến người nghe.
Năng lực của bạn cao hay thấp, quan trọng ở chỗ bạn làm việc cùng ai
Chuyện kể rằng, một chú thỏ non đang đứng trước một hang động viết một bài văn. Một con sói già đi ngang qua hỏi: "Mày đang viết cái gì thế?"
"Tôi đang đàm đạo chuyện thỏ non xơi tái sói già như thế nào" - Thỏ đáp
“Thỏ sao có thể xơi tái sói – mày đừng có viển vông” – Sói già chế giễu.
“Bác không tin cứ theo tôi vào đây” - Thỏ liền dẫn sói vào trong động. Một lúc sau, mình thỏ bước ra ngoài, tiếp tục viết nốt bài văn.
Một con lợn săn đi ngang qua, lại hỏi: "Mày đang viết gì vậy?"
Thỏ đáp: "Tôi đang đàm đạo chuyện thỏ non xơi tái lợn săn như thế nào".
Lợn săn không tin, thỏ lại dẫn nó vào trong động - và lại đi ra một mình.
Bên trong động, một con sư tử đang ngồi giữa đống xương sói và xương lợn, liếm mép và đọc bài văn mà thỏ đưa cho nó một cách hài lòng: "Năng lực của nhân viên cao hay thấp, quan trọng phải xem bạn đang làm việc với ai".
Trên thực tế, khi bạn làm việc với đúng người, tự động năng lực của bạn sẽ phát huy. Có câu "nếu bạn muốn đóng một con tàu, đừng xua mọi người cùng nhau đi lấy gỗ, cũng đừng giao nhiệm vụ và công việc cho họ; mà hãy dạy họ khao khát sự bao la vô tận của biển khơi" – Antoine de Saint Exupery. Đây cũng là tầm của người lãnh đạo.
Jack Ma cũng từng phát biểu: Người lãnh đạo không bao giờ nên so sánh kỹ năng kỹ thuật của mình với nhân viên. Nhân viên của bạn nên có kỹ năng kỹ thuật tốt hơn bạn. Nếu không phải thế thì có nghĩa là bạn đã tuyển nhầm người.
Muốn phát triển lâu dài, cần tạo ra lợi nhuận
Chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Chú thỏ thông minh nhưng cũng rất ba hoa thích khoe khoang. Một lần trong lúc vui miệng đã lỡ kể cho bạn nghe câu chuyện trên. Thông tin dần lan ra khắp rừng sâu, các con vật đều biết để tránh.
Sư tử thiếu ăn vô cùng giận dữ, ra “tối hậu thư”: "Nếu trong hai ngày tới không tìm được thức ăn đưa về động, ta sẽ ăn thịt nhà ngươi".
Nghe vậy, thỏ tiếp tục đứng ở cửa động viết văn. Một con hươu đi ngang qua hỏi: "Anh đang viết gì thế?"
Thỏ trả lời: "Đàm đạo chuyện thỏ non xơi tái sói già như thế nào".
Hươu nói: "Việc này cả rừng đều biết rồi, anh vẫn còn muốn lừa ai chứ?"
Thỏ nói: "Chính vì cả rừng đều biết rồi nên tôi chỉ còn nước nghỉ hưu thôi. Sư tử nói muốn tìm một người thay thế tôi, lẽ nào anh không muốn đảm nhiệm công việc này thay tôi sao?"
Nghe quá cám dỗ, cuối cùng, hươu đã không giữ được mình, nó theo thỏ vào trong hang.
Một lúc sau, thỏ một mình ra khỏi động, tiếp tục viết văn.
Ngựa đi ngang qua, sự việc tương tự lại tái diễn.
Trong động, sư tử vô cùng thỏa mãn, nằm vểnh râu đọc bài văn mà thỏ đưa – "Muốn phát triển lâu dài, bền vững, trước hết phải mang lại lợi ích cho ông chủ".
Trên thực tế trong kinh doanh, một nhân viên muốn nhận được sự quan tâm, cất nhắc của lãnh đạo, trước hết phải nhìn vào năng suất làm việc của nhân viên đó. Có tạo ra lợi nhuận, bạn mới có giá trị.
Câu chuyện trên cũng cho bạn một bài học không thể quên: Trong mọi chuyện, không thể phơi bày hết năng lực cho đối thủ. Luôn luôn thủ sẵn "át chủ bài" mới có thể thắng đối thủ trong mọi trường hợp. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng.
Một triết lý thường được các nhà diễn giả nhắc lại: Là một ông chủ, bạn “chẳng cần phải làm gì”, nhưng chắc chắn bạn phải là người tạo ra động lực và tinh thần làm việc cho nhân viên. Còn nếu bạn là một nhân viên, phải luôn không ngừng tạo ra giá trị cho ông chủ, lúc đó bạn mới có giá trị. Khi giá trị mà bạn tạo ra, cống hiến cho ông chủ nhỏ hơn giá trị mà bạn hưởng thụ, đó là lúc bạn phải đi. “Không ngừng sáng tạo sẽ không sợ diệt vong” – Henry Ford cũng đã nói như vậy.
Không ngừng mở rộng thị trường mới là kế sách lâu dài tạo nguồn thu
Sư tử ăn quen bén mùi, đồ ăn mà thỏ kiếm được không đủ đáp ứng nhu cầu. Sư tử liền nói với thỏ: "Lượng đồ ăn của ta phải tăng gấp đôi. Nếu trong một tuần không có thay đổi, ta sẽ phải ăn thịt ngươi".
Thỏ chỉ biết nhận lệnh, ra khỏi động, chạy vào tận sâu trong rừng.
Nó nhìn thấy một con sơn dương: "Anh có tin thỏ có thể dễ dàng ăn thịt một con sói không?"
Sơn dương không tin, thỏ liền dẫn nó về động.
Một lát sau, nó lại đi ra và tiếp tục vào rừng.
Lần này nó gặp một con lợn rừng. Sự việc tương tự lại xảy ra. Thì ra động vật ở sâu trong rừng chưa biết câu chuyện giữa thỏ và sư tử.
Và cuối cùng, không ai khác vẫn chính là sư tử nằm khểnh trong động xỉa răng và đọc bài văn của thỏ - "Không ngừng mở rộng thị trường mới, không ngừng khai thác các mô hình kinh doanh mới chính là cách tốt nhất để giải quyết khó khăn, tạo ra nguồn thu lớn".
Trong thực tế, khi nhận những nhiệm vụ khó khăn, thực sự không nghĩ ra được cách giải quyết vấn đề, hãy cứ đi ra ngoài xem sao!
Thường xuyên nâng cao năng lực bản thân, mới có thể quản trị tốt
Sư tử ở trong hang chờ ăn mãi cũng chán, một sáng đẹp trời Sư tử quyết định ra ngoài dạo bộ, tự mình săn bắt. Đột nhiên, nó phát hiện ra, rất khó để săn được 1 con mồi - chuyện mà ngày xưa nó từng làm rất dễ.
Chú đành quay trở về hang, phụ thuộc lượng thức ăn thỏ kiếm được. Thỏ biết chuyện, cũng lấy làm hãnh diện. Ra ngoài, nó mượn oai sư tử tạo dựng danh tiếng khắp nơi. Trong khi đó vai trò của sư tử ngày càng mờ nhạt.
Frank Herbert từng cho rằng "điều quan trọng đối với một người lãnh đạo là điều đã khiến anh ta trở thành lãnh đạo. Đó là nhu cầu của những người đi theo anh ta".
Ở thế độc quyền vẫn luôn xuất hiện những đối thủ cạnh tranh
Tiếng tăm của thỏ trong rừng càng lúc càng vang xa, con vật nào cũng biết chủ của nó lợi hại cỡ nào, thậm chí chủ của nó lợi hại là thế mà vẫn phải nghe lời thỏ.
Dần dần, thỏ trở nên ngang ngược bá đạo, bắt nạt trên dưới. Cuối cùng có một ngày, người thợ săn xuất hiện, bắt sống thỏ và dán một tờ giấy lên cửa động: "Trong cuộc sống luôn có người mạnh hơn mình".
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Không ai có thể chắc chắn mình luôn thắng thế.
Trong kinh doanh, dù mình ở thế độc quyền vẫn có thể xuất hiện cạnh tranh từ các đối tác – hay thậm chí, người tiêu dùng hoàn toàn có thể có lựa chọn thay thế. Do vậy, luôn đổi mới sáng tạo cả trong phương pháp kinh doanh lẫn các sản phẩm để bắt kịp nhu cầu.
Người mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để luôn là người kiểm soát, trừ phi anh ta biết sức mạnh thành quyền lợi và phục tùng thành nghĩa vụ. – Jean Jacques Rousseau