Bất động sản
'Cầu cứu' loạt dự án chưa hẹn ngày về đích ở Hà Tĩnh
Nhiều dự án được đầu tư hàng chục tỷ đồng song chưa thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra do vướng mắc mặt bằng. Địa phương nhiều lần đề xuất lên UBND tỉnh Hà Tĩnh và ngành chức năng tháo gỡ "điểm nghẽn" nhưng chưa có kết quả.
Dự án hạ tầng ngoài hàng rào Cụm công nghiệp Thạch Bằng (thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt vào tháng 10/2021, với tổng mức đầu tư hơn 84 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương. |
Công trình được khởi công từ cuối năm 2022 với nhiều hạng mục như xây dựng mới tuyến đường bê tông dài hơn 1,2km, hệ thống thoát nước, hào kỹ thuật và cống kỹ thuật; điện chiếu sáng; đường dây trung thế; cấp nước… |
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn thi công “nhảy cóc”, chỉ mới thi công được vài trăm mét đường, còn các hạng mục khác chưa được triển khai vì vướng mặt bằng đất nuôi trồng thủy sản của các hộ dân. |
Theo chính quyền địa phương, việc dự án chậm triển khai do vướng mắc diện tích đất nuôi trồng thủy sản của người dân. Phần diện tích này không thuộc diện đền bù theo quy định hiện hành nhưng do người dân đầu tư nuôi trồng với số vốn lớn, nuôi trồng thủy sản nhiều năm nên họ mong có chính sách hỗ trợ phù hợp. |
Ông Trần Xuân Lộc - cán bộ kỹ thuật Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà - cho biết, lãnh đạo tỉnh và sở, ngành đã về kiểm tra, họp bàn song chưa có quy định hay chính sách hỗ trợ phù hợp với người dân. “Đơn vị đang tiếp tục xin ý kiến của tỉnh, mong sớm có hướng dẫn để xử lý phù hợp, giúp dự án thực hiện trở lại, hoàn thành sớm”, ông Lộc nói. |
Dự án đình trệ khiến máy móc nằm chờ, cấu kiện ngổn ngang dọc tuyến đường. Người dân gặp khó trong việc đi lại. |
Dự án đình trệ khiến máy móc nằm chờ, cấu kiện ngổn ngang dọc tuyến đường. Người dân gặp khó trong việc đi lại. |
Cạnh đó là dự án Xử lý cấp bách đê Tả Nghèn có tổng chiều dài hơn 10km. Công trình có nguồn vốn hơn 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm thi công, đến nay dự án vẫn dở dang. |
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà, dự án này chậm triển khai cũng do vướng mặt bằng các hộ nuôi trồng thủy sản. Đến nay, địa phương đang tìm phương án xử lý, tháo gỡ vướng mắc. |
Những ngày này, một số máy móc tiếp tục thi công các vị trí đã được giải phóng nhưng việc mặt bằng còn vướng mắc, dự án chưa hẹn ngày về đích. |
Còn tại Dự án hạ tầng khu du lịch biển Lộc Hà qua xã Thịnh Lộc cũng trong tình trạng tương tự do vướng mắc mặt bằng. Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đầu vào tháng 7/2017 với tổng mức đầu tư 62 tỷ đồng nhằm mục tiêu phát triển thương mại du lịch dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư vào khu du lịch, phục vụ du khách. |
Công trình có quy mô 2 tuyến đường dài hơn 3,6km. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành, nhiều vị trí vướng mặt bằng chưa thể thi công. Trong hình, một ngôi mộ nằm ngay trên tuyến đường chưa được giải phóng. |
Dự án triển khai không đảm bảo khiến vật liệu xây dựng chảy tràn vào ruộng canh tác của người dân địa phương. |
Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà, hiện tiến độ thi công đạt 70% khối lượng. Đơn vị đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng còn vướng mắc để đưa dự án về đích. Trong hình, nhiều máy móc nằm bất động do dự án vướng mắc, không thể triển khai. |
Tại dự án đường cứu hộ cứu nạn ven biển Lộc Hà được khởi công xây dựng vào tháng 5/2020, do UBND huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, với số vốn 128 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 6,5km, đi qua địa bàn thị trấn Lộc Hà, xã Thạch Mỹ và xã Phù Lưu. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, tuyến đường qua tổ dân phố Trung Nghĩa (thị trấn Lộc Hà) bị “đứt đoạn” vì vướng khu nghĩa trang chưa thể giải phóng. |
Lộc Hà là huyện ven biển của Hà Tĩnh nhưng hội tụ đầy đủ những điều kiện tự nhiên của đồi núi, đồng bằng và biển cả. Điểm nhấn về tiềm năng du lịch tự nhiên là dãy núi Bằng Sơn chạy dọc 12 km đường biển và bãi biển thoải, tạo điều kiện phát triển đa dạng các hình thái du lịch. |
Tuy nhiên, nơi đây còn nhiều dự án đầu tư song chậm triển khai hoặc thi công dang dở gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |