Cây cối cũng có thể mắc bệnh ung thư?
Một con vật bị ung thư khi nó có một khối u, một khối tế bào nhân lên ngoài tầm kiểm soát, vậy các loại thực vật có thể bị ung thư không?
Một khi thực vật bị bệnh, nó có thể ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống con người, như gây thiếu hụt nguồn cung cấp thực phẩm. Nhiều nạn đói đã diễn ra khắp nơi trên thế giới chỉ vì cây trồng bị bệnh dẫn đến mất mùa.
Thực vật cũng có thể bị ung thư
Chúng ta thường nói một con vật bị ung thư khi nó có một khối u, một khối tế bào nhân lên ngoài tầm kiểm soát. Nếu chúng ta chấp nhận đó là định nghĩa về bệnh ung thư thì thực vật cũng có thể bị ung thư.
Theo trang IFL Science, bà Louise Gathercole, điều phối viên của Trung tâm Bảo vệ rừng (CFP), Anh, cho biết với thực vật, có rất nhiều thứ khiến tế bào của chúng cũng phát triển không kiểm soát, và theo cách không bình thường.
Có thể đó là vi khuẩn lây nhiễm vào tế bào và sau đó là DNA. Cây cũng bị nhiễm viroid (mầm bệnh thực vật), vi rút và nhiễm nấm.
Ngoài ra còn có những vết loét do ong mật gây ra. Ong bắp cày đẻ trứng trong lá hoặc nụ hoa và khi nở chúng tiết ra các chất hóa học khiến tế bào của lá hoặc nụ hoa phát triển bất thường.
Bà Lisa Ward, trưởng khoa bệnh học tại Viện Forest Research, cho biết các bệnh thực vật gây ra sự tăng sinh tế bào lớn theo cách giống như ung thư.
Crown gall (bệnh sùi cành) là một bệnh thực vật phổ biến do vi khuẩn Agrobacter tumefaciens gây ra. Chúng chuyển vi khuẩn vào bộ gene của thực vật, làm thay đổi mức độ hormone thực vật dẫn đến sự phân chia tế bào không đều, khiến khối u phát triển.
Ngoài ra, bệnh nấm nút đen (black knot) còn tiết ra các chất hóa học làm cho cây phát triển thêm các tế bào thực vật lớn bất thường, dẫn đến các khối gỗ phát triển các khối u.
Ung thư ở thực vật khác động vật như thế nào?
Cây không bị ung thư thứ phát vì các tế bào không di chuyển khắp cơ thể. Vì vậy, ung thư không thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cây.
Nhưng bản thân mầm bệnh có thể di chuyển. Vì vậy, vi khuẩn có thể lây nhiễm vào các tế bào ở một khu vực nào đó của cây, nhưng nếu sau đó vi khuẩn nhân lên và tái tạo, nó có thể di chuyển đi nơi khác hoặc bị sinh vật khác mang đi nơi khác.
Do đó, phần lớn bệnh ở thực vật không mang tính tự phát, và thường được vi khuẩn hoặc nấm kích hoạt. Trong khi ung thư ở động vật là sự tự phát mầm bệnh trong quá trình sao chép DNA.
Hiện nay, các nhà khoa học tại CFP đang nghiên cứu các mối đe dọa xâm lấn có thể xảy ra trong tương lai đối với cây cối, cũng như cách làm cho cây có khả năng phục hồi tốt hơn.
Một phương pháp là so sánh bộ gene của những cây bị bệnh với những cây có khả năng kháng sâu bệnh. Nếu cây nhận được nhiều hơn một phiên bản của gene trong nhóm kháng bệnh, thì phiên bản đó có thể giúp cây chống lại bệnh tật.