Chậm cải tổ thị trường, chứng khoán Việt Nam khó nâng hạng?

31-03-2023 16:27|Lan Phương

FTSE Russell bày tỏ lo ngại về sự thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện những giải pháp nâng hạng thị trường của Việt Nam.

Trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 3 mới công bố của FTSE Russell, Việt Nam hiện vẫn được phân loại ở nhóm thị trường cận biên (frontier market), dù đã được thêm vào danh sách theo dõi (watch list) để được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging market) từ tháng 9/2018.

Theo FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)" khi đang bị xếp ở mức "hạn chế". Điều này là do thông lệ thị trường thực hiện kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo sự sẵn có về vốn trước khi thực hiện giao dịch.

Ngoài ra, quy trình đăng ký mở mới tài khoản cần phải được cải thiện hơn nữa vì các thủ tục hiện tại có thể dẫn đến việc kéo dài thời gian đăng ký, đồng thời cần có những cơ chế tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán đã hết “room”.

Kể từ tháng 9 năm ngoái, FTSE Russell cho biết tổ chức này chưa nhìn thấy được tiến triển rõ ràng nào đối với mô hình đối tác bù trừ trung tâm (central counterparty - CCP), mặc dù tổ chức này nhận thấy đã có sự trao đổi giữa các cơ quan quản lý và các nhóm làm việc về thị trường địa phương.

FTSE Russell cho biết quá trình chạy thử hệ thống giao dịch mới đã bắt đầu từ tháng 2 năm nay và sẽ kéo dài trong khoảng 40 ngày giữa Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD) và các thành viên.

"Bằng chứng cũng cho thấy quá trình bàn luận về việc đưa ra chương trình chứng chỉ lưu ký không biểu quyết (non-voting depository receipts - NVDR) đã bắt đầu. Mục đích của chương trình này là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch mà không cần lo lắng về giới hạn sở hữu nước ngoài", FTSE Russell cho biết trong báo cáo.

Tuy nhiên, FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng. FTSE Russell cho biết vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ernst & Young (những bên đang hỗ trợ cho chương trình cải cách thị trường) và các cơ quan quản lý thị trường quan trọng khác.

"Việc hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm trong mô hình đối tác bù trừ trung tâm, cũng phải tính tới việc triển khai luật mới, vẫn là một bước quan trọng tiếp theo. Các chỉ dẫn rõ ràng về khung thời gian (nếu có) sẽ được các nhà đầu tư quốc tế ủng hộ”, FTSE Russell nhận định.

Theo đó, Việt Nam theo dõi với tư cách là thị trường cận biên và sẽ được xem xét khả năng nâng hạng thành thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9 năm nay. Tuy vậy, FTSE Russell lưu ý rằng họ rất lo ngại về sự thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải tổ thị trường.

Nhìn lại một năm nỗ lực của các cơ quan quản lý nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam

UBCKNN, Bộ Tài chính, WorldBank và FTSE Russell tìm giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam

Khối ngoại bán ròng 11/12 tháng gần nhất, tổng giá trị bán 41.330 tỷ đồng ngay trước thềm nâng hạng TTCK

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cham-cai-to-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-kho-nang-hang-176325.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chậm cải tổ thị trường, chứng khoán Việt Nam khó nâng hạng?
POWERED BY ONECMS & INTECH