Sự khan hiếm năng lượng tái tạo đang làm các doanh nghiệp sản xuất chip châu Á tụt hậu so với các doanh nghiệp tại Mỹ và Châu Âu
Khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo hạn chế tại thị trường trong nước đã khiến các nhà sản xuất chip lớn nhất châu Á tụt hậu so với các đối thủ Mỹ và châu Âu trong cuộc đua cắt giảm lượng khí thải carbon.
Sản xuất chip, đặc biệt là chip tiên tiến, cực kỳ tốn năng lượng. Nhưng TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và Samsung Electronics, nhà sản xuất chip bộ nhớ hàng đầu thế giới, đều đang phải vật lộn để giảm lượng khí thải carbon trong nước.
Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết tại cuộc họp thường niên của công ty rằng sự chậm trễ của Đài Loan trong việc phát triển năng lượng tái tạo đang cản trở công ty đạt được các mục tiêu về môi trường. “Các cơ sở sản xuất của chúng tôi tại Mỹ và Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng xanh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa chuyển sang sử dụng năng lượng xanh ở Đài Loan. Thực tế là Đài Loan không có đủ năng lượng xanh để chúng tôi sử dụng", ông Liu cho biết.
Trong khi đó, Samsung cho biết Hàn Quốc là một trong những quốc gia gặp nhiều thách thức nhất trên thế giới về nguồn năng lượng tái tạo do các lựa chọn bị hạn chế.
Nguồn năng lượng tái tạo hạn chế có thể dẫn đến việc chip sản xuất ở châu Á kém thân thiện với môi trường hơn so với chip sản xuất ở Mỹ và châu Âu, điều mà khách hàng ngày càng lo ngại.
Theo bà Doris Hsu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GlobalWafers, nhà sản xuất vật liệu lát mỏng lớn thứ ba thế giới, các khách hàng, đặc biệt là các nhà sản xuất chip châu Âu, ngày càng có nhu cầu mua các tấm lát mỏng được sản xuất bằng năng lượng xanh.
"Đây sẽ là một xu hướng dài hạn và sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất chip. Năng lượng của bạn có đủ xanh hay không có thể trở thành yếu tố quyết định liệu bạn có nhận được đơn đặt hàng trong tương lai hay không. Khách hàng sẽ so sánh giá cả, chất lượng và nguồn năng lượng bạn sử dụng có phải là năng lượng xanh hay không", bà Hsu nói.
Theo Cục Năng lượng Đài Loan, năng lượng than, nhiên liệu và khí đốt tự nhiên chiếm 82,41% nhu cầu năng lượng của Đài Loan trong năm 2022, trong khi năng lượng tái tạo chỉ chiếm hơn 8%. Tương tự, tại Hàn Quốc năng lượng tái tạo chỉ chiếm 8,95% sản lượng vào năm 2022, trong khi năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch chiếm gần 90%.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, quốc gia này đã tạo ra 22% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2022, mặc dù 78% vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân. Dữ liệu chính thức của EU cho thấy năng lượng tái tạo chiếm 41% năng lượng được sản xuất tại Liên minh châu Âu vào năm 2021.
Trên thực tế, việc cung cấp đủ năng lượng tái tạo là khá khó khăn ở Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc do đều có lượng cư dân đông và không dễ để có đủ diện tích đất hoặc mái nhà để xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời.
"Ở hầu hết các nước châu Á, khả năng tiếp cận năng lượng gió và mặt trời bị hạn chế", một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc chia sẻ và cho biết thêm rằng không dễ dàng để mua năng lượng tái tạo từ các quốc gia khác do những hạn chế về địa lý và ngoại giao."
Dự kiến, tình trạng thiếu năng lượng tái tạo có thể ảnh hưởng đến lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 của các nhà sản xuất chip châu Á. Về dài hạn, điều này có thể ảnh hưởng đến đầu tư và thậm chí gây rủi ro cho các đơn đặt hàng của các khách hàng toàn cầu như Apple, Google và Microsoft. Cả ba tập đoàn này đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025 và đã thúc đẩy chuỗi cung ứng của họ thực hiện theo các cam kết đó.