Trong bối cảnh Mỹ liên tục nhắm mục tiêu vào các sàn giao dịch tiền mã hóa, khối lượng giao dịch trị giá hàng tỷ USD đã dần chuyển sang châu Á.
Kể từ sau vụ sụp đổ của FTX (một trong những sàn giao dịch tiền điện tử phổ biến nhất) diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, dự trữ Bitcoin và Ether, một chỉ báo về nơi các nhà giao dịch đang di chuyển tài sản của họ, đã giảm mạnh tại những sàn giao dịch có trụ sở tại Mỹ.
Xu thế đó tiếp tục diễn ra trong năm nay khi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đệ đơn kiện Binance và Coinbase - hai trong số những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới.
Hàng loạt doanh nghiệp đổ xô đến Châu Á
Trong bối cảnh Mỹ liên tục nhắm mục tiêu vào các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, khối lượng giao dịch trị giá hàng tỷ USD đã dần chuyển sang châu Á, theo Bloomberg.
Hàng loạt nhà đầu tư và doanh nghiệp tiền mã hóa đổ xô đến Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Hong Kong.
Kể từ tháng 11 năm ngoái, Binance đã thâm nhập thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua các thương vụ mua lại. Gulf Binance, một liên doanh giữa Binance và Gulf Innova, đã nhận được giấy phép vận hành sàn giao dịch từ Bộ Tài chính Thái Lan. Các hoạt động giao dịch sẽ bắt đầu vào quý 4 năm nay.
Trong khi đó, Gemini - một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá nổi tiếng tại Mỹ khẳng định Singapore sẽ là trung tâm của công ty tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Gemini sẽ công bố kế hoạch tăng số lượng nhân viên tại quốc gia này lên tới hơn 100 người trong 12 tháng tới.
Bên cạnh đó, FalconX, một đơn vị chuyên về tài sản kỹ thuật số có trụ sở tại San Mateo (Mỹ), cũng đã tính đến việc mở rộng phạm vi hoạt động tại châu Á. Theo ông Matt Long, Tổng giám đốc của công ty tại chi nhánh APAC, doanh nghiệp đã thành công trong việc xin giấy phép tại Singapore.
Thách thức tại các thị trường tỷ dân
Cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cấm tất cả các hoạt động liên quan tiền mã hoá. Bắc Kinh coi tiền mã hóa như bitcoin là mối đe dọa đối với an ninh tài chính và khả năng kiểm soát vốn do bản chất đầu cơ cao của đồng tiền này. Trước đó vào năm 2017, chính phủ nước này cũng đã ban hành lệnh cấm giao dịch tiền mã hóa trên toàn quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng mạnh tay áp thuế để cản trở hoạt động này. Từ tháng 4/2022, tất cả thu nhập từ tiền mã hóa và tài sản kỹ thuật số ở Ấn Độ bị đánh thuế 30%, cùng với 1% bổ sung được tính dưới dạng thuế khấu trừ tại nguồn (TDS) cho mỗi giao dịch trên 121 USD.
Vikram Subburaj, đồng sáng lập sàn giao dịch Giottus, cho rằng khối lượng giao dịch trên các sàn tiền mã hóa của Ấn Độ đã giảm khoảng 70% sau khi áp dụng chế độ thuế mới.
Hai quốc gia chiếm hơn một nửa dân số châu Á vẫn đang có cái nhìn không mấy thiện cảm với tiền mã hóa. Nếu hai đất nước tỷ dân nới lỏng chính sách, đây sẽ là cơ hội lớn đối với thị trường.
“Cơ sở người dùng mới ở châu Á là rất lớn. Tôi hy vọng giao dịch sẽ tiếp tục được chuyển từ Mỹ và châu Âu sang châu Á”, theo ông Chuan Jin Fong, Trưởng bộ phận kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại GSR Markets.