Chỉ 5 năm nữa, tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam sẽ 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương
Tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam, dự kiến sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận trong tương lai vẫn được định hướng là TP trực thuộc Trung ương của cả nước.
Địa phương có quy mô và vị thế mới sau sáp nhập
Theo tờ trình, căn cứ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII và Quyết định 759 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa được sáp nhập thành một tỉnh mới có tên gọi là Khánh Hòa. Trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Dự kiến sau khi sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới có diện tích tự nhiên khoảng 8.555,9km2 và dân số gần 1,9 triệu người, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về quy mô để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định hiện hành.
Nhiều tiềm năng bứt phá
Khánh Hòa là địa phương sở hữu đường bờ biển dài nhất Việt Nam (385km), với nhiều cửa lạch, vịnh, đầm phá và các điểm du lịch biển nổi tiếng như Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh.
Ngoài ra, nơi đây cũng sở hữu nhiều hệ thống đảo phong phú, là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch biển, dịch vụ cảng biển và kinh tế hàng hải.

Trong khi đó, tỉnh Ninh Thuận có khí hậu khô hạn đặc trưng, lại là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.
Sự kết hợp giữa hai tỉnh sẽ tạo nên một vùng kinh tế biển mạnh mẽ, đa dạng hóa ngành nghề và thúc đẩy phát triển bền vững.
Việc sáp nhập sẽ hình thành một trung tâm công nghiệp mới, kết hợp giữa các khu công nghiệp hiện có của Khánh Hòa và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Ninh Thuận, tạo ra một chuỗi giá trị công nghiệp - năng lượng đồng bộ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Ngày 29/3/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Thủ tướng đã đưa ra các mục tiêu phát triển đến năm 2030 đối với tỉnh Khánh Hòa như sau:
Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Việc sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận không chỉ là sự kiện quan trọng trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính của Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội lớn để hình thành một trung tâm kinh tế, công nghiệp và đô thị mới ở miền Trung. Với nội lực mạnh mẽ và định hướng phát triển rõ ràng, tỉnh Khánh Hòa mới hoàn toàn có thể "cất cánh" trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.
Theo như quyết định 759/QĐ-TTg, Thủ tướng vẫn giữ định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập đối với các tỉnh đã được định hướng trước đó.
Trong đó, 4 tỉnh gồm Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Ninh Bình sau sáp nhập vẫn sẽ tiếp tục được định hướng để "cất cánh" lên TP trực thuộc Trung ương của Việt Nam.
> > Việt Nam sắp xóa bỏ 3 tỉnh khỏi danh sách 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương sau sáp nhập