Doanh nghiệp

Chiếm 98% tổng số, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận tín dụng

Khúc Văn 31/07/2024 - 05:45

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98% số doanh nghiệp trong cả nước. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp này vẫn khó tiếp cận vốn.

Số lượng lớn nhưng khả năng vay vốn rất thấp

Ths Trần Văn Hiển - Phó Trưởng Ban Đào tạo và Hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chiếm 98%.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, khoảng 50-60%.

Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là doanh nghiệp hàng đầu cả nước về chế biến, xuất khẩu thủy sản đông lạnh
Số lượng lớn nhưng khả năng vay vốn rất thấp.

Một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) từng thực hiện cho thấy, có tới 41% doanh nghiệp khảo sát đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.

Thống kê cho thấy, tổng nợ vay của SMEs thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.

Giá trị các khoản vay hiện thời của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam hiện nay là trên 11,2 tỷ USD, tương ứng 32,18% nhu cầu tín dụng trong khi 67,82% nhu cầu vốn chưa được đáp ứng, tương đương khoảng trống tài chính gần 24 tỷ USD. Trong đó, khoảng trống tài chính của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 1,89 tỷ USD; nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa là 21,71 tỷ USD.

Về vấn đề này, ông Hoàng Quang Lâm, Giám đốc Công ty Xây dựng Hoàng Vượng cho biết doanh nghiệp nhỏ như ông rất khó tiếp cận vốn.

“Mấy năm trở lại đây, doanh nghiệp kinh doanh rất khó khăn, còn khó khăn hơn cả thời điểm Covid. Việc tiếp cận vốn ngân hàng cũng không phải là vấn đề đơn giản khi hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi từ năm trước thì năm nay mới cho vay vốn, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay thì doanh nghiệp làm sao mà có lãi”, ông Lâm chia sẻ.

Ông Lê Văn Tiên - Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại và Sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng cho biết: “Đầu tư vào hệ thống hữu cơ thì chi phí bỏ ra khoảng 300.000 đồng/sào. Đầu tư lớn mà thành quả mang lại để thu hồi nhanh vốn đầu tư lại mất một thời gian dài. Đầu tư trên đất nông nghiệp, khó khăn là tiếp cận nguồn vốn”.

Doanh nghiệp này đã hoạt động được 20 năm trong lĩnh vực cung cấp gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh. Theo đại diện doanh nghiệp, trong 10 năm đầu, đơn vị chỉ có một cơ sở duy nhất. Sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay, doanh nghiệp đã mở rộng quy mô, số cửa hàng tăng gấp 5 lần, số kho hàng cũng tăng, qua đó đáp ứng kịp tốc độ phát triển kinh doanh.

Theo đại diện FiinGroup, khoảng trống tài chínhcủa doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam ước tính khoảng 24 tỷ USD, gấp 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện tại. Trong khi đó, dự toán khoảng trống tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần các khoản vay hiện thời dành cho SMEs.

>>Bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng

Nguồn lực cho vay có giới hạn, doanh nghiệp phải cạnh tranh

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, nguồn lực để cho vay trong nền kinh tế có giới hạn. Ông Bình dẫn số liệu tổng dư nợ của chúng ta hiện nay cho toàn bộ nền kinh tế là khoảng 12,2 triệu tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động của nền kinh tế hiện cũng khoảng 12,3 triệu tỷ đồng.

"Với mức như vậy thì mức tổng huy động của toàn bộ ngân hàng cho vay đã vượt quá khoảng 1,2 lần so với GDP", ông nói.

Giảm thuế VAT sẽ tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Nguồn lực cho vay có giới hạn, doanh nghiệp phải cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, theo ông Bình, các doanh nghiệp nhỏ vừa phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp khác. "Một tập đoàn lớn, một khoản vay của họ có thể bằng khoản vay của 10.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cộng lại. Sự cạnh tranh là rất lớn", ông Bình nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, trước đây, tín dụng cho nhóm doanh nghiệp SME chỉ là 5-10% nhưng nay đã nâng được lên khoảng 18%. Ông nhận định đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành ngân hàng.

Một nguyên nhân khác khiến khách hàng và ngân hàng chưa gặp được nhau, theo ông Bình, là do yêu cầu về chuẩn mực cho vay của ngành ngân hàng. Tất cả ngân hàng hiện nay đều phải nâng chuẩn mực, đáp ứng chuẩn Basel II, Basel III. Song song với đó, ngoài những yêu cầu về an toàn vốn, mức vốn tối thiểu, còn nhiều những tiêu chí khác như chất lượng tín dụng, tiêu chuẩn cho vay.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng cho rằng, để nhà băng "gật đầu" cho doanh nghiệp SME vay vốn là không khó nhưng các quy trình vay vẫn cần tuân thủ quy định pháp luật hiện chặt chẽ, đặc biệt với việc cho doanh nghiệp vay, nếu không, ngân hàng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Năng lực quản trị, duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội không cũng là những tiêu chí đầu tiên mà ngân hàng thẩm định.

"Doanh nghiệp có thể tốt nhưng sẽ rất khó để ngân hàng quyết định cho vay nếu ông chủ doanh nghiệp có hình ảnh xấu hay điều tiếng trong xã hội. Tất cả gắn chặt với nhau", ông Bình thông tin thêm.

Cuối cùng, ông Bình nhắc đến câu chuyện doanh nghiệp chưa quen với việc xây dựng lịch sử tín dụng, cũng như tìm cách để giao dịch qua ngân hàng, từ đó tạo lịch sử giao dịch uy tín.

"Nếu tôi từng giao dịch với ngân hàng A cách đây 10 năm, hiện tôi có nhu cầu vay vốn thì chắc chắn khả năng được duyệt sẽ cao hơn. Nhiều đơn vị chưa chú ý đến việc mở tài khoản tại ngân hàng và sau đó tất cả giao dịch như nộp thuế đều thể hiện qua đó", ông Bình nói. Theo ông, chỉ cần chú ý đến những yếu tố tưởng chừng nhỏ này, năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được nâng lên đáng kể.

Hà Nội: Tổng dư nợ tín dụng đạt 3,93 triệu tỷ đồng, tăng 8,84% so với đầu năm

47 tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng xanh gần 640.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% dư nợ toàn nền kinh tế

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chiem-98-tong-so-doanh-nghiep-nho-va-vua-van-kho-tiep-can-tin-dung-243698.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chiếm 98% tổng số, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận tín dụng
POWERED BY ONECMS & INTECH