47 tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng xanh gần 640.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% dư nợ toàn nền kinh tế
Có 80-90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ việc thực hành theo tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) trong hoạt động.
Chiều ngày 25/7, Thời báo Ngân hàng tổ chức Tọa đàm "Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành Ngân hàng". Theo đó, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 31/3, đã có 47 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Kết quả đánh giá rủi ro về môi trường theo Thông tư 17/2022/TT-NHNN, sau hơn 1 năm kể từ ngày Thông tư 17 có hiệu lực triển khai thực hiện, 100% ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng độc lập hoặc lồng ghép trong quy định nội bộ về cấp tín dụng.
Đã có 17 NHTM thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Tính đến 31/3, số dự án, số khách hàng đã cấp tín dụng được thực hiện đánh giá quản lý rủi ro về môi trường là 110.371 dự án/ khách hàng; số dư nợ được quản lý rủi ro về môi trường đạt 991.378 tỷ đồng.
Bà Tùng cho biết, “những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành Ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng”.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nguồn: Internet |
Bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống người dân.
Theo nghiên cứu của Tổ chức DARA International, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 5% GDP.
Sớm nhận thức được vấn đề, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thực hành ESG là một yêu cầu bắt buộc.
Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày càng nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam áp dụng thực hành ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững.
Nhận thức tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững.
>>Ngân hàng có Chủ tịch hát bài 'Cô đơn trên sofa' lỗ nặng mảng đầu tư chứng khoán
Sau Vietcombank, có thêm 22 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng VneID để mở tài khoản
Doanh nghiệp bảo hiểm đang loay hoay với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024