Chiều 1/8, giá xăng dầu trong nước tăng sát mốc 24.000 đồng/lít
Từ 15h chiều nay, giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng, trong đó xăng E5 RON 92 lên mức 22.790 đồng/lít, xăng RON 95-III lên 23.960 đồng lít.
Từ 15h ngày 1/8, Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.160 đồng/lít lên mức 22.790 đồng/lít; xăng RON 95-III tăng thêm 1.170 đồng/lít lên mức giá 23.960 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu đợt điều chỉnh lần này cũng đồng loạt tăng. Dầu diesel 0.05S tăng 1.110 đồng/lít lên 20.610 đồng/lít; dầu hỏa hiện có giá 19.189 đồng/lít, tăng 1.090 đồng/lít lên mức 20.270; dầu mazut hiện có giá 15.725 đồng/kg, tăng 810 đồng/kg, lên mức 16.530 đồng/kg.
Do biến động giá nên kỳ này, nhà điều hành thực hiện xả quỹ bình ổn 400 đồng/lít với dầu diesel và 300 đồng/lít với dầu hỏa, trong khi các mặt hàng khác không trích lập và chi quỹ bình ổn.
Cơ quan quản lý cho hay, tại kỳ điều hành lần này, thị trường xăng dầu chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh.
Mức dự trữ của Trung Quốc cũng tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại, kèm theo nhu cầu của Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng sau đại dịch trong nửa cuối năm nay; dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất… các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu nhìn chung biến động tăng.
Như vậy giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng ở kỳ này. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần tăng, trong đó hai kỳ vừa qua tăng mạnh liên tiếp; có 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, giá xăng dầu có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến mức chiết khấu quay đầu giảm mạnh và có thời điểm về mức 0 đồng như giai đoạn trước.
Trong khi đó, việc sửa đổi nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu vẫn "giậm chân tại chỗ" sau nhiều tháng, Bộ Công Thương chưa công bố dự thảo sửa đổi để lấy ý kiến các bên liên quan.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng cơ chế điều hành hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đặc biệt là quyền không được lấy hàng ở nhiều hệ thống và luôn bị nhà bán buôn chèn ép giá.