Chính thức áp thuế VAT hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh: Mua sắm online sắp đắt hơn?
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2025/QĐ-TTg ngày 3/1/2025 bãi bỏ toàn bộ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Từ ngày 18/2/2025, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế có trị giá hải quan trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (hàng hóa giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng) và không thuộc mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Trao đổi với VnEconomy, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh của Metric, ông Chu Xuân Thức nhận định, quy định mới sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chủ thể tham gia hệ sinh thái thương mại điện tử, bao gồm các sàn giao dịch, nhà bán hàng và người tiêu dùng.
Ông Thức dự báo, trong thời gian tới, giá cả hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử khả năng cao sẽ tăng lên vì số lượng các nhà bán hàng nhập khẩu hàng hóa bên ngoài và các nhà bán hàng từ nước ngoài kinh doanh trực tiếp các sản phẩm giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng không nhỏ.
Với quy định mới, biên độ lợi nhuận của các sản phẩm dưới 1 triệu đồng sẽ giảm nên các nhà bán hàng buộc phải tăng giá để bù đắp lỗ hổng lợi nhuận.
Ông Thức nhấn mạnh: “Việc tăng giá là không thể tránh khỏi. Chênh lệch giá trước và sau khi Quyết định 01/2025 có hiệu lực sẽ rất đáng kể".
Tuy nhiên, không phải nhà bán hàng nào cũng sẽ tăng giá. Nhằm duy trì lưu lượng tiêu thụ, các sản phẩm bán chạy với số lượng lớn vẫn có thể giữ nguyên giá.
>>Việt Nam được dự báo trở thành ‘con rồng’ thương mại điện tử của Đông Nam Á
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP |
Theo số liệu của Metric, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo trong năm 2024 đạt 318,9 nghìn tỷ đồng; trong đó, hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng chiếm hơn 80% tổng quy mô thị trường.
Con số này cho thấy, nếu Việt Nam còn không áp dụng quy định mới này, thất thu thuế sẽ là con số cực kỳ lớn.
Trước đây, hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, trong khi các sản phẩm tương tự do doanh nghiệp nội địa sản xuất vẫn phải chịu loại thuế này.
Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã lợi dụng chính sách này để hưởng ưu đãi thuế bằng cách nhập số lượng lớn hàng giá rẻ từ nước ngoài rồi chia nhỏ đơn hàng. Điều này đã gây áp lực tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi ngày có từ 4 – 5 triệu đơn hàng có giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada hay TikTok, Tiki. Vì vậy, việc Chính phủ có chính sách phù hợp để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước và nhập khẩu là quyết sách đúng đắn.
Hàng nhập qua sàn thương mại điện tử dưới 2 triệu đồng có thể được miễn thuế
Đâu là chính sách chìa khóa thúc đẩy thương mại điện tử bứt phá?