Chính thức hoàn thành ‘Vạn Lý Trường Thành’ mới dài hơn 1.800km
Trung Quốc vừa hoàn thành một vành đai dài 1.856km bao phủ ba sa mạc ở Nội Mông.
Theo SCMP, Trung Quốc đã hoàn thành một dải vành đai kiểm soát cát kéo dài xuyên qua ba sa mạc ở khu tự trị Nội Mông, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình xây dựng “Vạn Lý Trường Thành xanh” tại khu vực khô hạn phía Bắc nước này.

Ngày 6/7, các ô rơm hình bàn cờ đã được đặt tại rìa phía Nam của sa mạc Badain Jaran. Đây là kỹ thuật phổ biến ở Trung Quốc nhằm cố định lớp cát di chuyển trong sa mạc. Như vậy, vành đai xanh mới này có tổng chiều dài 1.856km, chạy qua ba sa mạc lớn gồm Badain Jaran, Tengger và Ulan Buh.
Ba sa mạc này nằm trong địa khu Alxa, cực Tây của Nội Mông, với tổng diện tích 94.700km², tương đương diện tích quốc gia Hungary. Trong đó, sa mạc Badain Jaran là sa mạc lớn thứ ba của Trung Quốc.
Kỹ sư trưởng Zhang Youyong thuộc Cục Lâm nghiệp, Thảo nguyên và Kiểm soát sa mạc Alxa chia sẻ với Xinhua: “Chúng tôi dùng kỹ thuật ô rơm để khóa chặt lớp cát chảy, sau đó trồng các loại cây chịu hạn như saxaul. Cách làm này giúp xây dựng hệ thống phòng chống và kiểm soát cát hiệu quả, đồng thời tăng cường lá chắn sinh thái”.
Ba sa mạc kể trên chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn địa khu Alxa và hơn 83% diện tích đất hoang mạc của toàn Nội Mông. Lượng mưa trung bình hằng năm ở khu vực này dưới 200mm, trong khi mức bốc hơi vượt quá 3.000mm, cao gấp 15 lần lượng mưa.

Dự án hoàn thành nhằm kết nối các vành đai kiểm soát cát đã được triển khai từ tháng 2 và sẽ tiếp tục mở rộng với các chương trình phục hồi thảo nguyên.
Đây là giai đoạn mới nhất trong nỗ lực kéo dài hàng chục năm của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sa mạc hóa ở khu vực phía Bắc thông qua các biện pháp kiểm soát cát và trồng rừng, trong khuôn khổ Chương trình “Vành đai rừng chắn gió vùng Tam Bắc”.
“Tam Bắc” là cách gọi chung cho ba khu vực: Đông Bắc, Bắc và Tây Bắc Trung Quốc - những nơi bị đe dọa nhiều nhất bởi sa mạc hóa.
Khởi động từ những năm 1970, chương trình này đã tạo ra mạng lưới hàng nghìn km rừng và cây bụi giúp ổn định sa mạc Gobi. Nhờ đó, số lượng các trận bão cát đổ về khu vực dân cư như Bắc Kinh đã giảm rõ rệt.
Vào tháng 11/2024, Trung Quốc cũng hoàn tất vành đai xanh dài 3.050km bao quanh sa mạc Taklamakan, sa mạc lớn nhất Trung Quốc và cũng là sa mạc cát di động lớn thứ hai thế giới. Với địa hình chủ yếu là các cồn cát di chuyển liên tục và thường xuyên xảy ra bão cát, Taklamakan còn được mệnh danh là “biển chết” vì sự khắc nghiệt của nó.
Vành đai xanh bao quanh Taklamakan bao gồm nhiều loại cây và cây bụi chịu hạn, kết hợp các biện pháp chắn cát nhằm ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc, đồng thời bảo vệ tuyến đường sắt, đường bộ khỏi tác động của cát bay.

Không chỉ tập trung trong nước, Trung Quốc còn tích cực hỗ trợ các quốc gia khác xây dựng các “bức tường xanh” nhằm chống sa mạc hóa. Một trong những ví dụ điển hình là sáng kiến tường xanh châu Phi, được khởi động từ năm 2007, hướng tới mục tiêu phục hồi 100 triệu ha đất hoang mạc vào năm 2030 thông qua một vành đai xanh dài 8.000km.
Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong việc chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính cho dự án này. Chuyên gia kiểm soát sa mạc Lei Jiaqiang thuộc Viện Sinh thái và Địa lý Tân Cương (trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc) cho biết, quốc gia này đã giới thiệu kỹ thuật ô rơm và các loại cây bụi chịu hạn để ổn định cát tại khu vực ven Thủ đô Nouakchott của Mauritania.
Việc hoàn thiện các vành đai xanh trong nước và mở rộng hỗ trợ ra quốc tế cho thấy Trung Quốc không chỉ tăng cường an ninh sinh thái nội địa mà còn thể hiện vai trò dẫn dắt trong cuộc chiến toàn cầu chống sa mạc hóa.
>> Chính thức hoàn thành khảo cổ một ‘đại’ công trình thuộc Di sản Văn hóa thế giới của Việt Nam