Chính thức hoàn thành khảo cổ một ‘đại’ công trình thuộc Di sản Văn hóa thế giới của Việt Nam
Đây là công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Vào tháng 4/2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chính thức hoàn tất quá trình khảo cổ học tại công trình Đại Cung Môn, cổng chính của Tử Cấm Thành Huế (thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa thế giới).


Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực di tích, nhằm bổ sung dữ liệu phục vụ công tác phục dựng một công trình có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt.
Hoạt động khảo cổ được thực hiện trên diện tích 60m2, bao gồm ba hố khai quật, mỗi hố rộng 20m2, được bố trí ngay phía sau điện Thái Hòa. Các hiện vật tìm thấy trong quá trình này sẽ được chuyển về Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để bảo quản.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác khai quật tại hiện trường đã hoàn tất. Hiện nay, các chuyên gia đang tiến hành lập báo cáo kết quả để trình hội đồng thẩm định theo quy định.

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 20 diễn ra vào ngày 15/11/2024, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) đã thông qua chủ trương đầu tư dự án phục hồi di tích Đại Cung Môn.
Dự án được triển khai với mục tiêu bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị của một di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, đồng thời là một phần trong quần thể di sản văn hóa thế giới. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới hơn 64 tỷ đồng, với thời gian thực hiện kéo dài trong 4 năm.

Theo kế hoạch, các hạng mục chính bao gồm tu bổ, phục hồi phần nền móng của công trình, phục hồi kiến trúc chính của Đại Cung Môn, đồng thời tiến hành cải tạo các khu vực liên quan như sân trước, sân sau, hệ thống lan can và bình phong. Song song với đó, dự án cũng sẽ nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước và lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy cùng camera an ninh.
UBND TP Huế cho biết, Đại Cung Môn được xây dựng vào năm 1833 dưới triều vua Minh Mạng. Công trình nằm giữa điện Thái Hòa và điện Cần Chánh, tọa lạc trên trục thần đạo của Kinh thành Huế. Đây từng là một công trình kiến trúc tinh xảo với quy mô gồm năm gian và ba cửa, trong đó cửa chính giữa được dành riêng cho vua.
Mặt trước của công trình được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, trang trí bằng các đề tài cổ điển và thơ văn, thể hiện rõ nét nghệ thuật cung đình thời Nguyễn. Phía sau là hai hành lang lợp ngói thanh lưu ly, nối liền với nhà Tả Vu và Hữu Vu…

Công trình này đã bị phá hủy vào năm 1947, đến nay chỉ còn lại phần nền. Với mục tiêu phục hồi nguyên trạng di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép tiến hành khai quật khảo cổ trên diện tích 60m2.
Trên nền cũ có kích thước khoảng 23x12m, các chuyên gia đã mở nhiều hố khai quật tại các vị trí khác nhau, trong đó một số hố có độ sâu từ 1-1,2m để khảo sát địa tầng, thu thập hiện vật cũng như xác định các dấu tích kiến trúc còn lại của công trình xưa.
>> Việt Nam chính thức lập quy hoạch tu bổ, bảo tồn một di tích quốc gia đặc biệt