Liên quan tới diễn biến lãi suất, thực tế, cũng có không ít quan điểm trái chiều ở thời điểm này về việc nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tăng trưởng - lạm phát - tỷ giá được ví như bộ 3 bất khả thi trong lý thuyết kinh tế, tức là cùng lúc chỉ có thể đạt được 2/3 mục tiêu này, không thể đạt được cả 3.
Do đó, bối cảnh toàn cầu hiện đang chịu áp lực ở cả 3 phía: tăng trưởng - lạm phát và tỷ giá, đang đặt ra áp lực không nhỏ với Việt Nam, đặc biệt là một chính sách tiền tệ đủ linh hoạt, hài hòa giữa ổn định và tăng trưởng.
Bên cạnh yếu tố tỷ giá USD/tiền đồng ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào trở lại cũng giúp nhà điều hành thuận lợi trong việc gia tăng dự trữ ngoại hối.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi xuất siêu 12,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022, tháng 1-2023 tiếp tục chứng kiến mức thặng dư thương mại hàng hóa 660 triệu đô la Mỹ, dù có giảm so với con số xuất siêu 3,6 tỉ đô la Mỹ ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê, nhưng có thể thấy đà xuất siêu vẫn đang được duy trì.
Ở hoạt động đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong tháng 1 ước tính đạt 1,35 tỉ đô la Mỹ, trong khi trên thị trường chứng khoán nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng mạnh mẽ từ tháng 11-2022 đến nay.
Ngoài ra, lượng kiều hối đổ về rơi vào giai đoạn cao điểm tháng 1 hàng năm cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào trở lại.
Điều quan trọng hơn là các hoạt động đầu cơ, lướt sóng, tích trữ ngoại tệ đã giảm đáng kể so với giai đoạn quí 3 đến đầu quí 4 năm trước, thời điểm mà kỳ vọng phá giá tiền đồng ở mức rất cao khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất rất mạnh.
Bên cạnh đó, những bất ổn trên thị trường tài chính tiền tệ giai đoạn tháng 9 và tháng 10 khi một ngân hàng bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt cũng có thể đã thúc đẩy cầu ngoại tệ giai đoạn đó gia tăng và giờ thì hạ nhiệt.
Gần đây, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối chia sẻ: “Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, NHNN không phải sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để can thiệp, bình ổn thị trường.
Tình trạng cá nhân lợi dụng mua ngoại tệ tiền mặt tại các tổ chức tín dụng được phép để trục lợi đã từng bước được ngăn chặn, không còn tình trạng người dân xếp hàng đi mua ngoại tệ tại ngân hàng. Nguồn cung ngoại tệ tăng, hiện nay, NHNN đã mua ròng ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối”.
Ngoài ra, qua việc giám sát, theo dõi báo cáo của các tổ chức tín dụng, NHNN cho biết số liệu chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài toàn hệ thống (cho các mục đích du lịch, học tập, trợ cấp thân nhân, định cư ở nước ngoài…) đã giảm mạnh (tháng 11-2022 giảm khoảng 40% so với tháng 10-2022).
Ở hoạt động bán ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng, lượng bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân cũng giảm mạnh (tháng 11-2022 giảm khoảng 57% so với tháng 10-2022), trong khi lượng mua ngoại tệ tiền mặt của các tổ chức tín dụng tăng mạnh (tháng 11-2022 tăng khoảng 69% so với tháng 10-2022).
Diễn biến NHNN mua ròng ngoại tệ trở lại đồng nghĩa với việc NHNN bơm ra một lượng lớn thanh khoản tiền đồng, sẽ góp phần giúp lãi suất tiền đồng hạ nhiệt và ổn định hơn.
Cụ thể với 3,6 tỉ đô la Mỹ mua ròng như đã nêu ở trên, ước tính NHNN đã bơm ra hơn 84.400 tỉ đồng từ đầu năm đến nay, giúp thanh khoản hệ thống dồi dào hơn rất nhiều. Và thực tế như chúng ta cũng thấy, xu hướng lãi suất đã có dấu hiệu đi xuống trở lại, thể hiện qua động thái giảm lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng kể từ đầu tháng 2 đến nay.
Dựa trên cơ sở này, dễ hiểu vì sao nhiều dự báo gần đây đã đảo chiều khi cho rằng NHNN có thể giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm nay, thậm chí có thể nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, thông qua các giải pháp hỗ trợ thanh khoản trên thị trường mở và tiếp tục duy trì kênh mua ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm 2023 này.
Chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng
Liên quan tới diễn biến lãi suất, thực tế, cũng có không ít quan điểm trái chiều ở thời điểm này về việc nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ. Một số ý kiến cho rằng một số tín hiệu từ hệ thống ngân hàng giai đoạn vừa qua cho thấy xu hướng chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
"Lãi suất huy động có chiều hướng giảm lại. Trên thị trường mở, có thể đến tháng 2, mức mua ròng của Ngân hàng Nhà nước lên đến hơn 3,3 tỷ USD, có nghĩa là so với năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã có hành động mua vào. Khi mua vào để tăng dự trữ ngoại hối lên, có một lượng tiền đồng tung ra thị trường, mở đầu cho sự nới lỏng hơn. Đấy là tín hiệu tích cực đối với dòng tiền chảy vào thị trường", ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đánh giá.
Tuy nhiên ngược lại, áp lực tỷ giá hay lạm phát thế giới vẫn luôn tiềm ẩn.
"Xăng dầu, lương thực thực phẩm có xu hướng xuống, nhưng cả thế giới hiện nay không chỉ Mỹ, châu Âu, châu Á và Việt Nam, lạm phát cơ bản mới là vấn đề, nên tôi nghĩ lạm phát sẽ giảm từ từ và không thể tránh khỏi có thời điểm nó lại tăng trưởng lại, gây ra mối lo ngại nhất định cho thị trường", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, cho biết.