Trong ngắn hạn, thị trường có thể đi theo quy luật cung cầu song về dài hạn sẽ đi theo quy luật giá trị (lợi nhuận doanh nghiệp). Nhà đầu tư tập trung quá nhiều vào thị trường chung sẽ dễ bỏ qua những chuyện riêng của doanh nghiệp.
Mới đây, khi đưa ra góc nhìn về sự sụt giảm thanh khoản thị trường thời gian gần đây, ông Phạm Ngọc Bách - Trưởng phòng Quản lý tài sản VNDirect đã dẫn thống kê, năm 2018 vốn hoá thị trường là 3 triệu tỷ đồng, thanh khoản khi đó hơn 6.600 tỷ đồng/phiên. Tính chung, thanh khoản trung bình 1 phiên chiếm 0,25% vốn hoá toàn thị trường.
Đến hiện tại, sau một giai đoạn điều chỉnh sâu, hiện vốn hoá trên HOSE đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, thanh khoản trung bình hơn 13.000 - 14.000 tỷ đồng; so với vốn hoá thị trường, thanh khoản trung bình một phiên khoảng 2,25% - mức trung bình trong bối cảnh thị trường không có nhiều biến động.
Theo đó, ông Bách đánh giá, trong ngắn hạn, thị trường có thể đi theo quy luật cung cầu song về dài hạn sẽ đi theo quy luật giá trị (lợi nhuận doanh nghiệp). Nhà đầu tư tập trung quá nhiều vào thị trường chung sẽ dễ bỏ qua những chuyện riêng của doanh nghiệp. Do đó, cần hiểu rõ tài sản của mình để có thể nhìn ra được định giá đắt hay rẻ.
"Triển vọng trường vẫn sáng nhờ dòng tiền không dùng quá nhiều đòn bẩy cộng thêm yếu tố nền tảng tăng trưởng doanh thu niêm yết trên 20%. Về định giá, hồi đầu năm tôi không thấy nhiều cơ hội đầu tư với mức sinh lời tốt song đến thời điểm hiện tại tôi thấy rất nhiều cơ hội cho dài hạn", ông Bách nêu nhận định.
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, khối phân tích Chứng khoán VNDirect, điều quan trọng nhất trong đầu tư chứng khoán là giá trị nhận được trong dài hạn.
P/E hiện tại của VN-Index tương đương với thời điểm tháng 5/2020, trong khi chỉ số VN-Index đã tăng 53% so với thời điểm đó. Như vậy, mặc dù định giá vẫn giữ nguyên nhưng trường đã có sự tăng trưởng vượt trội. Điều này đến từ việc các doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt 2 năm qua.
Nhìn về định giá dài hạn, VN-Index đang hấp dẫn nhất trong khu vực khi tính đến yếu tố tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2023.
"Nhà đầu tư dài hạn kỳ vọng giá trị doanh nghiệp mang lại trong dài hạn. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HOSE được dự báo cao gấp đôi so với bình quân của 15 năm qua. Do đó, với mức định giá hiện tại, thị trường vẫn có thể tự đi lên bằng chính nội lực - đó là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp", ông Hinh phân tích.
Khối ngoại vẫn đang chờ thời...
Một trong những mục tiêu của chứng khoán Việt Nam là sớm nâng hạng trong thời gian tới. Việc này sẽ giúp thị trường lành mạnh, minh bạch hơn, thu hút được dòng vốn ngoại tham gia.
Khi được vào nhóm thị trường mới nổi, nhiều quỹ nước ngoài mới có thể giải ngân vào thị trường.
Do đó, Việt Nam cần nỗ lực thêm nữa trong việc cải thiện các yếu tố về kỹ thuật và một số vấn đề về chính sách, tư duy hoạch định chính sách của các sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và những cấp cao hơn nữa. Điều này cần một quyết tâm chính trị ở tầm cao hơn. Và dù Việt Nam có đạt được mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell, vẫn cần nhiều cố gắng hơn nữa để đạt những tiêu chí của MSCI nhằm thu hút dòng vốn lớn hơn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Những nhóm ngành nào nhà đầu tư cần chú ý trong tháng cuối năm 2024?
Chứng khoán DSC: Thị phần môi giới của VNDirect (VND) khó hồi phục mạnh trong ngắn hạn