Xã hội

'Cho thôi việc không khó bằng thay đổi sức ì của cán bộ đã vào biên chế'

Nguyễn Quốc Thắng 13/07/2024 - 09:11

"Giải quyết cho thôi việc cán bộ hợp đồng cũng khó nhưng không khó bằng thay đổi sức ì của một số khá lớn cán bộ đã vào biên chế. Các thầy cô khi đã vào coi như đã yên, không chịu đi học, nhà trường cứ chiếu theo cam kết mà làm".

Xung quanh câu chuyện “Giảng viên bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ vì chưa học tiến sĩ” ở Trường ĐH Hà Tĩnh, VietNamNet giới thiệu ý kiến của PGS Quốc Thắng, nguyên giảng viên cao cấp Trường ĐH Hà Tĩnh, về ý thức nâng cao trình độ của giảng viên đại học.

Trước hết, tôi tự nhận là một người được đào tạo cơ bản để giảng dạy và quản lý giáo dục bậc đại học. Tôi về Hà Tĩnh theo QĐ 822/2002, diện thu hút nhân tài và đã công tác ở Trường ĐH Hà Tĩnh 16 năm, trong đó, có 9 năm làm trưởng khoa Kỹ thuật – Công nghệ. Trước khi nghỉ hưu (tháng 4/2023), tôi là PGS, giảng viên cao cấp. Vì vậy, tôi khá am hiểu về Trường ĐH Hà Tĩnh. Kể cả sau hơn 1 năm nghỉ hưu, thỉnh thoảng, tôi vẫn làm việc theo yêu cầu của trường, mọi thông tin về trường tôi nắm khá rõ.

Còn nhớ, năm 2009, sau giờ làm việc, hiệu trưởng ghé phòng, anh em nói chuyện với nhau về tình hình trường. Hiệu trưởng nêu một số khó khăn trước mắt và lâu dài của trường và hướng giải quyết. Tôi nói, những khó khăn đó nếu ta cố gắng rồi sẽ vượt qua, nhưng có một khó khăn rất lớn chúng ta khó vượt nhất ấy là sức ì trong số đông cán bộ giảng dạy. Ý này cũng đã nói trên diễn đàn nhà trường.

Một trường đại học như Trường ĐH Hà Tĩnh những năm đầu, số tiến sĩ ít đến mức nhiều khoa không có tiến sĩ nào, muốn mở mã ngành đào tạo đại học phải sử dụng những tiến sĩ có chuyên môn gần với mã ngành cần mở, như ngành Công nghệ thông tin của khoa Kỹ thuật – Công nghệ. Cán bộ tuyển mới chủ yếu là những thạc sĩ, sinh viên mới ra trường.

Về lâu dài, để lấp chỗ trống cho sự thiếu bằng cấp cao ở các mã ngành, chủ yếu hy vọng vào số cán bộ tuyển mới này. Vì vậy, trong hợp đồng tuyển dụng có điều kiện ràng buộc là sau bao nhiêu năm phải học xong thạc sĩ, sau bao nhiêu năm học xong tiến sĩ. Người tuyển dụng và người được tuyển dụng đồng ý và kí cam kết thực hiện.

Trong những năm đầu, tỉnh Hà Tĩnh và nhà trường đã đầu tư khá nhiều tiền cho cán bộ đi học thạc sĩ và tiến sĩ (học xong tiến sĩ, tỉnh hỗ trợ 150 triệu, trường hỗ trợ 100 triệu đồng, thạc sĩ 50 triệu đồng). Thế nhưng đi học thạc sĩ thì có chứ đi học tiến sĩ, nhiều người né tránh, từ chối, mặc dù đã cam kết, được tạo điều kiện - những điều kiện ấy cán bộ trường khác phải ghen tị.

Ở khoa Kỹ thuật – Công nghệ có một cán bộ là nguồn đào tạo tiến sĩ, nhà trường cho đi Úc, Ấn Độ, đi học ngoại ngữ ở Hải Phòng, tất cả đều bằng kinh phí nhà nước, nhưng mãi cũng không chịu đi và đi cũng bỏ giữa chừng. Chính những người đi học tiến sĩ lại là những cán bộ cũ của Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Trung cấp Kinh tế (là 2 trường thành sáp nhập để thành Trường ĐH Hà Tĩnh) chứ những người được tuyển mới rất ít.

Những năm đầu, nhà trường động viên đi học tiến sĩ bằng khơi gợi trách nhiệm, bằng tình cảm, bằng nhắc nhở, hầu như trong cuộc họp lớn nào cũng đề cập, nhưng kết quả số người đi học tiến sĩ rất ít.

Một trường đại học muốn tồn tại, trước hết là phải có nguồn nhân lực. Đó là trình độ cán bộ, đặc biệt là cán bộ giảng dạy, mỗi cán bộ phải ý thức được điều đó và phải làm điều đó, tự nâng cao trình độ học vấn của mình, người khác không làm thay được.

Nhắc nhở động viên mãi vẫn không chịu đi học, phải có biện pháp mạnh chứ không thể khác được. Tôi đã mấy lần trao đổi trực tiếp với thầy Đoàn Hoài Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, một số vấn đề:

1. Giải quyết cho thôi 60 cán bộ hợp đồng cũng khó nhưng không khó bằng thay đổi sức ì của một số khá lớn cán bộ đã vào biên chế. Các thầy cô khi đã vào biên chế là coi như đã yên vị, không chịu đi học, nhà trường cứ chiếu theo cam kết mà làm, không để trì trệ mãi.

2. Nếu Trường ĐH Hà Tĩnh ngại không làm thì đề xuất với ĐH Quốc gia Hà Nội, đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn cán bộ trước khi sáp nhập, lại vẫn chiểu theo cam kết để thực hiện.

Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGD-ĐT của Bộ GD-ĐT (có hiệu lực từ 22/03/2024), tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ trong các cở đào tạo đại học:

a) Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ;

b) Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

Đề án sáp nhập Trường ĐH Hà Tĩnh thành trường thành viên ĐHQG Hà Nội (được UBND tỉnh Hà Tĩnh và ĐHQG Hà Nội thống nhất) nêu rõ: “Về công tác nhân sự: Từ năm 2024 đến 2026, tập trung mạnh mẽ trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đã ban hành (Kế hoạch số 07/KH-TĐHHT ngày 14/2/2023) nhằm tăng tỷ lệ tiến sĩ, đến năm 2026 đạt 50-60% giảng viên có trình độ tiến sĩ, mục tiêu hướng tới chuẩn các trường thành viên ĐHQG Hà Nội vào năm 2028, phấn đấu đến năm 2030 có trên 70% cán bộ giảng dạy có trình độ TS, PGS, GS... mở được ít nhất 10 ngành đào tạo thạc sĩ, 5 ngành đào tạo tiến sĩ".

Nếu hiện nay nhà trường không có những biện pháp mạnh, thậm chí cứng rắn, làm sao thực hiện Thông tư số 01/2024/TT-BGDDT của Bộ GD-DT và Đề án sáp nhập Trường ĐH Hà Tĩnh vào ĐHQG Hà Nội mà tỉnh Hà Tĩnh với ĐHQG Hà Nội đã ký kết và cam kết thực hiện.

Hạ bậc thi đua cho các cán bộ giảng dạy trong diện đi làm tiến sĩ mà không đi là một biện pháp. Nếu anh (chị) không làm được cái này phải mất cái khác, đó là sự công minh và công bằng.

Tất nhiên, tôi cũng đồng ý với một số ý của các tác giả trong các bài viết, tiến sĩ không phải là tất cả, cũng có những tiến sĩ "fake", những cơ sở đào tạo cho những sản phẩm chất lượng thấp (như một số thông tin đã nêu). Nhưng theo quy định của Bộ và của ĐHQG Hà Nội phải thực hiện. Vẫn biết, trong một số trường đại học có những thầy, cô là thạc sĩ, cử nhân nhưng họ rất giỏi, được đồng nghiệp và sinh viên thừa nhận, nhưng số này đặc biệt ít. Nếu muốn giỏi, muốn làm tốt được nhiệm vụ không có cách nào khác là phải học.

Một số cán bộ sau khi làm xong tiến sĩ xin đi nơi khác như các thông tin trên đã nêu là một tất yếu, cái này cũng đúng với quan điểm của triết học duy vật biện chứng “đứng im là tương đối, còn chuyển động mới là tuyệt đối”, chuyển động để đi lên, chuyển động để phát triển. Các tiến sĩ của Trường ĐH Hà Tĩnh chủ yếu là chuyển sang các đơn vị, sở, ban, ngành, các doanh nghiệp của tỉnh, cũng là tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Rồi lại tuyển mới, rồi lại đào tạo, đó là quy luật vận động, quy luật phát triển. Có những tiến sĩ xin đi nhưng cũng có những tiến sĩ xin về.

Trong tình hình thực tế hiện nay, nếu Trường ĐH Hà Tĩnh không có những biện pháp mạnh, thiết thực sẽ khó đạt tiêu chuẩn về số cán bộ có học vị tiến sĩ như yêu cầu của Bộ GD-ĐT, đặc biệt khi sáp nhập và trở thành trường thành viên của ĐHQG lại càng khó đạt.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Độc giả có ý kiến về vấn đề này có thể gửi về email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

>> Vì sao điểm chuẩn xét tuyển sớm tăng cao, học bạ trên 9 điểm/môn mới đỗ đại học?

Ngôi trường 'hoàng gia' 96% sinh viên ra trường đều có việc làm: Nơi Quán quân Olympia đầu tiên không đi du học Úc theo học, vừa tuyển một Á hậu là giảng viên

Trưởng khoa bị giảng viên 'tố' vì làm Giám đốc doanh nghiệp ngoài trường

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cho-thoi-viec-khong-kho-bang-thay-doi-suc-i-cua-can-bo-da-vao-bien-che-2301236.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Cho thôi việc không khó bằng thay đổi sức ì của cán bộ đã vào biên chế'
    POWERED BY ONECMS & INTECH