Tài chính Ngân hàng

Chủ động trước áp lực lạm phát

Thảo Nguyên 12/05/2024 - 07:15

Lạm phát 4 tháng qua tăng 3,93% đang khiến nhiều người lo khó giữ được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4 - 4,5%. Những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Tổng cầu yếu, lạm phát vẫn tăng gần 4%

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm nay tăng 3,93%, riêng trong tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân lạm phát tăng là do giá nhà ở và vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, cát, giá thuê nhà ở) tăng tới 5,54%, làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,84%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,74% cũng đẩy lạm phát 4 tháng đầu năm nay tăng.

Riêng trong tháng 4, lạm phát tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân được cơ quan thống kê chỉ ra do các nhóm hàng hóa dịch vụ như giao thông tăng 1,95% (tăng theo giá nhiên liệu xăng, dầu tăng); nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92%; hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,27%; nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 0,21% (tăng theo giá xăng, dầu, điện tăng).

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, áp lực lạm phát đang chịu tác động của các yếu tố bên ngoài do biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải đường biển, hàng không… thế giới, tác động đến giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, vận tải… trong nước. Lại cộng hưởng với các yếu tố bên trong do việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…, nên áp lực lạm phát càng lớn.

Việc Chính phủ thực hiện điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục; cũng như việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024, cũng sẽ có những tác động nhất định lên lạm phát năm 2024.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của DN, tác động đến lạm phát trong nước.

“Nhìn chung, áp lực lạm phát từ phía cầu (yếu tố tiền tệ) là không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung (chi phí sản xuất). Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để chủ động có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN, nền kinh tế, đời sống người dân, tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Giá xăng, giá điện... gây áp lực lên lạm phát

Trong 4 tháng đầu năm, giá các mặt hàng xăng, dầu đã qua 17 kỳ điều hành, trong đó mặt hàng xăng có 10 lần tăng và 7 lần giảm giá. Đến nay, giá xăng đã tăng gần 14% so với phiên điều chỉnh đầu tiên của năm 2024, lên sát 25.000 đồng/lít. Điều này là dễ hiểu khi giá xăng, dầu thế giới tăng khá mạnh do tác động từ yếu tố địa chính trị, căng thẳng tại Trung Đông, nguồn cung xăng, dầu tại Mỹ thắt chặt.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá cũng khiến bất kỳ loại giao dịch hàng hóa nào cũng trở nên đắt đỏ hơn. Goldman Sachs ước tính giá dầu Brent trong ngắn hạn sẽ sớm chạm mốc 90 USD/thùng.

Theo một số chuyên gia kinh tế, nhân tố có thể đẩy lạm phát tăng mạnh từ nay đến cuối năm là xăng, dầu, điện tăng giá. Đây là hai nhiên liệu đầu vào cho hầu hết ngành sản xuất, hai mặt hàng này tăng giá có thể đẩy giá cả hầu hết các mặt hàng tăng lên, đặc biệt là hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu.

Hiện, EVN đang đề xuất cho nới quyền tự quyết tăng giá điện dưới 5% lên mức dưới 10%, điều này cũng dẫn tới khả năng giá điện có thể được điều chỉnh tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá điện sinh hoạt cứ tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI chung của nền kinh tế tăng thêm 0,33 điểm phần trăm.

“Giá điện tăng làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó có thể kéo giá các hàng hóa khác tăng lên trong những tháng tới” - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh cho biết.

Trong khi đó, tác động từ giá xăng, dầu, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, nhiều nhà cung ứng cũng vừa thông báo tăng giá hàng hóa như sữa, nông sản, thịt heo... với lý do xăng xe, vận chuyển "tốn kém" hơn. Một mặt nhà cung ứng tăng giá, trong khi sức mua của người dân giảm sút, khiến các siêu thị thấy "khó khăn, áp lực".

Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán VNdirect Đinh Quang Hinh khẳng định, áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức cao ít nhất cho đến cuối quý II/2024 do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông cũng như xung đột Nga - Ukraine kéo dài, dẫn đến giá hàng hóa tăng cao.

"Giá dầu thô duy trì ở mức cao do căng thẳng địa chính trị leo thang và tỷ giá hối đoái cao hơn do Fed duy trì lãi suất điều hành lâu hơn dự kiến là những yếu tố làm gia tăng áp lực lạm phát" - ông Đinh Quang Hinh nói.

Người dân thắt chặt chi tiêu

Tuy nhiên, cũng có những yếu tố giúp kiềm chế lạm phát, như nguồn lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, sức mua yếu cũng góp phần cản trở đà leo thang của giá cả hàng hóa...

Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh, trong rổ hàng hóa tính lạm phát hiện nay, nhóm lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 25% tổng giá trị rổ hàng hóa và là nhóm hàng hóa quan trọng trong nước hoàn toàn chủ động được.

Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc giỏ hàng hóa tính CPI, ngoài 8 nhóm hàng hóa tăng so với tháng trước, các nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm trong tháng 4 như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống -0,13%, lương thực -0,63%, thực phẩm -0,18%, giáo dục -2,93%, bưu chính, viễn thông -0,17%, so với tháng trước.

Bên cạnh đó, bối cảnh nền kinh tế phục hồi còn chậm và sức mua yếu. Nhiều người sẽ phản ứng việc tăng giá bằng tiết kiệm chi tiêu hơn, DN cũng sẽ phải cân đối chuyện giá cả khi sức mua thấp cũng là yếu tố giúp lạm phát trong tầm kiểm soát.

Bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng, các nhà điều hành chính sách vẫn có công cụ để kiểm soát lạm phát, thông qua kiểm soát việc tăng giá các dịch vụ công như giá điện, học phí, dịch vụ y tế... Hơn nữa, lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong 20 năm, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc việc nâng lãi suất dần, phát hành tín phiếu…giảm cung tiền, nhằm giảm áp lực tỷ giá.

“Tín dụng vẫn khá ì ạch. Trong khi đó, lãi suất quá thấp lại tiềm ẩn rủi ro tới tỷ giá và lạm phát. Cân đối các chỉ số vĩ mô là bài toán quan trọng” - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.

Trong cuộc họp đầu năm, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%; 4,03% và 4,5%. Có nghĩa, ở cả 3 kịch bản, lạm phát đều trong ngưỡng mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị. Nhưng áp lực lạm phát vẫn còn đó, nhất là khi diễn biến thị trường và kinh tế toàn cầu khó dự đoán.

Thông báo số 193/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I năm 2024 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024 yêu cầu, xuyên suốt vẫn là phải chủ động, linh hoạt, bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Trong đó, phải theo dõi chặt tình hình để xây dựng, cập nhật phương án, kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng cụ thể thuộc lĩnh vực quản lý; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, sức mua yếu cũng góp phần cản trở đà leo thang của giá cả hàng hóa. Việc tăng lương sẽ kéo theo việc tăng một số mặt hàng tiêu dùng, phí giao thông, đây là kỳ vọng tăng giá. Nhưng kỳ vọng tăng giá hiện nay không mạnh vì đời sống người dân còn khó khăn, người dân dè chừng trong chi tiêu.

Trưởng khoa Kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân - PGS.TS Phạm Thế Anh

Nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng tích cực

Đồng yên 'chạm đáy' hơn 3 thập kỷ sau số liệu lạm phát của Mỹ

Tổng cục Thống kê 'trình làng' 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/chu-dong-truoc-ap-luc-lam-phat.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chủ động trước áp lực lạm phát
    POWERED BY ONECMS & INTECH