Chiều 6/4, Công ty cổ phần FPT (Mã chứng khoán: FPT) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023.
Tại ĐHCĐ lần này, một cổ đông đã đặt câu hỏi về vấn đề chia cổ phiếu được phát hành theo kế hoạch lựa chọn cho nhân viên, cán bộ, người lao động trong công ty (ESOP).
Cụ thể, FPT dự kiến phát hành mới hơn 1,8 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (thấp hơn 8 lần so với thị giá trên thị trường) cho 4 cán bộ quản lý cấp cao trẻ do HĐQT phê duyệt. Lượng cổ phiếu trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 10 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
"Nếu tính theo thị giá của FPT hiện nay, phần thưởng từ ESOP cho cán bộ cấp cao gấp hơn chục lần tiền lương của năm 2022. Vậy ESOP quá nhiều có gây loãng cổ phiếu không và ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông khác như thế nào?", cổ đông thắc mắc.
Chủ tịch Trương Gia Bình lý giải, hiện FPT có 2 loại ESOP: Một là thưởng kết quả kinh doanh, những người đóng góp quan trọng trong năm (từ level 4 trở lên). Hai là dành cho quy hoạch cán bộ sau này thay thế Ban quản trị.
Ông Bình cho biết: "Chúng tôi đã bàn tính cho sự trường tồn của FPT, cần một đội ngũ cam kết cả đời phải chiến đấu như chúng tôi đã từng làm. Chúng tôi có kế hoạch bồi dưỡng họ trong thời gian tới nên mới xin cổ đông chính sách đó".
Những cổ phiếu ESOP này sẽ hạn chế giao dịch trong vòng 10 năm, nhưng ông Bình muốn hạn chế lên tới 20 năm để giữ những cán bộ này gắn chặt với doanh nghiệp.
"Chúng tôi không có khái niệm ông chủ mà là tập thể anh em, cam kết phấn đấu dẫn dắt công ty. Chúng tôi cần đội ngũ đó để bảo toàn cho sự trường tồn của FPT", ông nói.
Chủ tịch FPT cũng chia sẻ thêm, mục tiêu doanh thu năm 2023 của FPT là tăng 18,8%, lợi nhuận tăng 18,2%, lần lượt đạt 52.289 tỷ đồng và 9.055 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, khối công nghệ dự kiến đóng góp 4.166 tỷ đồng LNTT, tăng 24%, khối viễn thông đem về 3.230 tỷ đồng LNTT trong khi LNT khối giáo dục, đầu tư và khác dự kiến đạt 1.659 tỷ đồng.
Về kế hoạch mua bán sáp nhập (M&A), ông Trương Gia Bình cho biết, FPT rất muốn M&A và liên tục tìm kiếm cơ hội để làm điều này.
"Khi chúng tôi muốn M&A với ai, đó thường là những công ty tư vấn bởi đó không phải nghề chính của chúng tôi. Chúng tôi gọi đó là chiến lược tàu cao tốc của Nhật Bản, tức móc toa vào những công ty đó để phát triển thị trường của mình. Chúng tôi sẽ giúp họ có những hợp đồng lớn hơn còn họ giúp chúng tôi đến đích. Đi đến đâu chúng tôi lắp toa đến đấy để cho tàu đi nhanh hơn thay vì tự chạy một mình", ông Bình chia sẻ.