Chưa xử lý hình sự được doanh nghiệp nào trốn đóng bảo hiểm xã hội

26-02-2024 06:09|Vũ Điệp

Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua, thế nhưng đến nay cả nước vẫn chưa đưa ra xử lý hình sự được vụ việc nào.

Khó xử lý nhiều doanh nghiệp nợ đọng

Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhiều doanh nghiệp đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động.

Trong năm 2023, trước tình trạng cả nước có tới 200.000 người lao động bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ an sinh thuộc về BHXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội để có phương án giải quyết.

Điều đáng nói, việc nợ đọng, trốn đóng BHXH diễn ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, nhưng việc xử phạt lại chưa đảm bảo tính răn đe.

Giám đốc BHXH TP Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, năm 2023 thành phố có hơn 53.000 đơn vị chậm đóng BHXH, tổng số tiền chậm đóng là hơn 4.200 tỷ đồng, số tiền chậm đóng phải tính lãi hơn 1.500 tỷ đồng. Việc xử lý chậm đóng BHXH đối với các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết về pháp luật. 

Mặc dù BHXH TP Hà Nội đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH chuyển hồ sơ 15 đơn vị sang cơ quan điều tra Công an TP, đề nghị xử lý, truy tố theo quy định, nhưng việc thực hiện các thủ tục tố tụng vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa nhất quán giữa các cơ quan nên đến nay chưa đưa ra xử lý hình sự được vụ việc nào.

rut-bhxh-mot-lan-anh-2.jpeg
Cần chế tài phạt nặng doanh nghiệp trốn đóng BHXH (Ảnh minh họa)

Tương tự tại TP.HCM, năm 2023 các cấp thành phố đã ban hành 239 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 13 tỷ đồng từ các đơn vị, nhưng chỉ có hơn 2,2 tỷ đồng được nộp. Thậm chí, khi thành phố thực hiện cưỡng chế hơn 4,4 tỷ đồng tiền nợ BHXH thì doanh nghiệp chỉ nộp phạt 50 triệu đồng (đạt khoảng 1%).

Nhiều đơn vị cung cấp các số tài khoản xử phạt nhưng tài khoản không có tiền, thậm chí ngay cả khi có tiền trong tài khoản lúc bị cưỡng chế, đơn vị vi phạm vẫn không hợp tác.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, với quy định hiện nay, có đơn vị nợ hàng chục tỷ đồng tiền BHXH nhưng vẫn chưa truy tố được. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính với người quản lý, điều hành, đại diện theo pháp luật của đơn vị vi phạm để kiến nghị khởi tố. 

Cần có chế tài xử lý nghiêm khắc

Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đơn vị đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành để sửa đổi, đưa ra chế tài đảm bảo nghiêm khắc hơn. 

Đối với trường hợp chậm đóng BHXH, hiện nay chỉ xử phạt hành chính nhưng tới đây sẽ có chế tài nặng hơn như cấm xuất cảnh, phạt tăng nặng như ngành thuế.

Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.

Cụ thể, quy định người sử dụng lao động nợ BHXH phải nộp 0,03% số tiền trốn đóng/ngày (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên.

Đồng thời, quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự…

bao hiem xa hoi thach thao 6.jpg
Cần xử nghiêm doanh nghiệp trốn đóng BHXH (Ảnh minh họa: Thạch Thảo)

Chủ động phát hiện kịp thời

Ông Bùi Sỹ Lợi (từng là đại biểu Quốc hội) cho rằng, ngoài việc xử lý hành chính (tính lãi số tiền nợ BHXH như lĩnh vực thuế, ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động), cần tạo hành lang pháp lý để có thể xử lý hình sự đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH gây khó khăn cho người lao động.

Đi cùng với việc tăng nặng hình phạt, tổ chức Công đoàn cũng cần thiết phải đề cao việc chủ động phát hiện sớm dấu hiệu sai phạm về tình trạng trốn đóng BHXH để có giải pháp xử lý kịp thời. 

Tổ chức Công đoàn cũng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, kịp thời thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét khởi tố.

Đặc biệt, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng nên bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ cho ngành BHXH, mà cụ thể là thanh tra chuyên ngành BHXH, BHYT. Bởi vì, hiện nay chức năng thanh tra BHXH được giao cho ngành LĐ-TB&XH, nhưng ở các địa phương, thanh tra LĐ-TB&XH với lực lượng mỏng, nhiều công việc phải làm, không bao quát hết được mọi lĩnh vực. 

Bệnh viện, cơ sở y tế không được yêu cầu người bệnh xuất trình thẻ BHYT giấy

Quân đội, công an đóng BHXH 15 năm: Khi nào được nghỉ hưu?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chua-xu-ly-hinh-su-duoc-doanh-nghiep-nao-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-2252880.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chưa xử lý hình sự được doanh nghiệp nào trốn đóng bảo hiểm xã hội
    POWERED BY ONECMS & INTECH