Chứng khoán Việt sẽ có những ngày tồi tệ nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài

06-03-2022 07:34|Minh Anh

Với diễn biến bất ngờ từ căng thẳng Nga - Ukraine, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không tránh khỏi biến động trong 2 tuần giao dịch vừa qua.

Trong Báo cáo chiến lược mới công bố, CTCK SSI đánh giá TTCK Việt Nam đã nỗ lực phục hồi trong tháng 2/2022 với động lực tăng khá yếu khi nhiều lần thoái lui từ mốc tâm lý 1.500 điểm.

Nguyên nhân dẫn đến diễn biến trên một phần do tâm lý nhà đầu tư thận trọng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một phần do tác động tiêu cực từ sự đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ trước lo ngại FED sẽ tăng lãi suất mạnh tay.

Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine có tín hiệu leo thang từ giữa tháng cũng là một yếu tố gián tiếp hạn chế khả năng hồi phục trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy vậy, chứng khoán trong nước vẫn cho thấy sức chống chịu với rủi ro khá tốt khi diễn biến tích cực hơn Phố Wall khi chỉ số đại diện thị trường chung đóng cửa vẫn đạt mức tăng nhẹ so với tháng trước.

Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 11,17 điểm (+0,76%) lên 1.490,13 điểm trong đó nhóm trung bình thấp hồi phục mạnh hơn mức tăng 1,56% của chỉ số VNMidcap và 13,12% của chỉ số VNSmallcap, riêng chỉ số VN30 vẫn mất 15,06 điểm (-0,98%) điểm số.

Sang đến tháng 3/2022, nhóm phân tích cho rằng thị trường chứng khoán vẫn có thể chịu tác động bởi chính sách lãi suất của FED và căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Với diễn biến bất ngờ từ căng thẳng Nga - Ukraine, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không tránh khỏi khoảng thời gian biến động. Tuy nhiên, SSI cho rằng tác động trực tiếp của tình hình xung đột Nga - Ukraine hiện không phải quá lớn.

"Trong ngắn hạn, những biến số về mâu thuẫn Nga - Ukraine mặc dù không tác động lớn đến chứng khoán Việt Nam nhưng vẫn là rủi ro cần nhà đầu theo dõi và thận trọng.

Mặt khác, quyết tâm mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến kể từ 15/3/2022 là một yếu tố tạo ra kỳ vọng tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Với diễn biến tăng mạnh của giá hàng hóa, vẫn có thể kỳ vọng vào các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng của lạm phát tới quá trình phục hồi kinh tế", nhóm phân tích SSI đánh giá.

Việt Nam sẽ chỉ chịu tác động trực tiếp từ chiến tranh Nga - Ukraine ở mức tối thiểu vì tổng giá trị thương mại giữa 2 nước này với Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, cuộc xung đột này không mang lại nhiều rủi ro đáng kể cho Việt Nam. Đầu tư từ các quốc gia này vào Việt Nam cũng không nhiều nên không gây ra áp lực giảm vốn FDI, cạn kiệt dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Về hàng hoá, giá dầu và khí đốt thế giới tăng không phải là yếu tố quan trọng đối với Việt Nam - quốc gia có sản lượng nguyên liệu thô nhiều đủ đáp ứng tiêu thụ. Vì vậy, áp lực lạm phát trong năm nay vẫn có thể kiểm soát được xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ, vì các thành phần liên quan đến năng lượng (không bao gồm điện) chỉ chiếm 5% trong rổ tính CPI.

Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ PYN Elite Fund đánh giá, nếu cuộc chiến Nga - Ukraine tồi tệ và kéo dài hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những ngày tồi tệ hơn trong thời gian tới dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt trong năm 2022.

Trong trường hợp tình hình lắng dịu, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng điểm với những tin tốt về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ và châu Âu sẽ có tạo ra những bất ổn cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

CTCK vốn điều lệ hơn 15.000 tỷ muốn vay ngắn hạn BIDV 12.000 tỷ đồng

Cuộc đua mở rộng quy mô vốn, nâng nguồn margin của CTCK: SSI muốn phát hành 453 triệu cổ phiếu, một công ty dự tăng vốn gấp 15 lần

Thị trường chứng khoán chưa thể bứt tốc nhờ hạ lãi suất điều hành

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-viet-se-co-nhung-ngay-toi-te-neu-xung-dot-nga-ukraine-tiep-tuc-keo-dai-123009.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chứng khoán Việt sẽ có những ngày tồi tệ nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài
POWERED BY ONECMS & INTECH