Theo chuyên gia, không phải lúc nào việc giảm lãi suất điều hành cũng ngay lập tức tác động đến TTCK, mà cần có thời gian để việc này tác động thực sự đến việc giảm lãi suất của nền kinh tế.
Theo chuyên gia tại CTCK VNDIRECT, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 áp dụng từ ngày 25/5 cho thấy, Chính phủ đã tự tin giảm lãi suất mà không ảnh hưởng tới tỷ giá, trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành họp vào tháng 6 tới.
Việc giảm lãi suất cũng hiệu quả hơn nữa, khi kết hợp với việc NHNN bơm trả lại hệ thống ngân hàng 110.000 tỷ đồng từ giữa tháng 5 tới giữa tháng 6. Qua đó, thanh khoản sẽ dồi dào và làm hạ lãi suất trong nền kinh tế.
Có thể thấy, dư địa giảm lãi suất vẫn còn, nhưng phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế và lộ trình tiếp theo của Fed. VNDIRECT cho rằng, NHNN có thể tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm nay. Với việc giảm lãi suất như vậy, những nhóm ngành trực tiếp được hưởng lợi bao gồm ngân hàng, chứng khoán, sẽ được cải thiện về kết quả lợi nhuận. Tuy nhiên, kỳ vọng sẽ được biểu hiện kỹ hơn trong báo cáo tài chính quý 3, thay vì kỳ vọng ngay lập tức ở quý 2.
Ngoài ra, việc hạ lãi suất đi cùng Thông tư 02/2023 của NHNN về giãn, hoãn, cơ cấu nợ cũng giúp nhiều hơn nữa cho nhóm ngành tài chính. Trong bối cảnh các thông tin tích cực như vậy, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) sau đó đã có phản ứng ngược chiều vào ngày hôm sau, khiến thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước đó.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/5, thị trường đối mặt với áp lực từ tâm lý chốt lời ngắn hạn của các nhà đầu tư. Dòng tiền trong nước sụt giảm cùng khối ngoại duy trì chuỗi bán ròng hàng trăm tỷ, khiến VN-Index biến động trong giằng co quanh tham chiếu. Kết phiên, VN-Index giảm 0,87 điểm (-0,08%) dừng ở 1.063,76 điểm.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup đánh giá, quyết định giảm lãi suất lần này không mang lại nhiều kỳ vọng cho các nhà đầu tư. Bởi TTCK chỉ phản ánh ngược chiều mạnh mẽ với diễn biến lợi suất khi có sự đảo ngược thanh khoản đi kèm, nếu không thì hoạt động sẽ khá yếu ớt.
“Với thời điểm hiện tại, nếu lãi suất giảm thì sự đồng bộ vẫn yếu, thanh khoản hệ thống chỉ ở mức cân bằng và cung tiền gần như đình trệ. Không khó để phán đoán tác động của đợt giảm lãi suất đến thị trường lần này cũng sẽ không đủ mạnh để thị trường có một sự bứt tốc mạnh mẽ vào lúc này.
Mặt khác, đôi khi "tin tốt ra lại là bán", bởi vì tại những vùng trũng thông tin, thị trường đều kỳ vọng hết vào một tin tốt nên dòng tiền đã gia nhập trước đón đầu. Đến khi thông tin đưa ra và giá phản ứng chậm thì dòng tiền đi trước này sẽ nhanh chóng chốt, áp lực là không nhỏ”, ông Báu nhận xét.
Còn theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức CTCK SSI, việc NHNN hạ lãi suất điều hành luôn luôn là một tin tích cực đối với TTCK. Nó thể hiện ở những góc nhìn khác nhau, nhưng về cơ bản việc đó giúp cho chi phí vốn của doanh nghiệp giảm đi, tạo điều kiện cho lợi nhuận có khả năng được cải thiện trong tương lai. Đặc biệt, nhu cầu của người dân về hàng hóa, trang thiết bị, dịch vụ sẽ tăng lên và tác động tốt đến dự phóng của doanh nghiệp.
Một điểm quan trọng nữa là niềm tin của nhà đầu tư về khả năng phục hồi kinh tế trong tương lai cũng tốt hơn. Về mặt dòng tiền, khi lãi suất điều hành giảm, những kênh như gửi tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn hơn, khiến một phần dòng tiền chảy qua kênh chứng khoán hỗ trợ thị trường.
“Tuy nhiên, không phải lúc nào việc giảm lãi suất điều hành cũng ngay lập tức tác động đến TTCK, mà cần phải có thời gian để việc này tác động thực tế đến việc giảm lãi suất của nền kinh tế.
Theo thống kê của chúng tôi, lãi suất điều hành của Việt Nam thời điểm này đã thấp hơn thời điểm trước dịch, điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc kích thích kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất thực tế, lãi suất cho vay vẫn đang cao hơn trước dịch đâu đó khoảng 50-100 điểm. Như vậy, dư địa của việc giảm lãi suất là có. Câu hỏi lớn nhất lúc này là khi nào lãi suất của nền kinh tế sẽ giảm và giảm ra sao, có giảm mạnh, giảm nhanh, có tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hay không, còn trên lý thuyết về mặt trung hạn sẽ là tốt”, ông Đức nói.
Các chuyên gia đều nhận định, cần nhiều yếu tố tác động để thúc đẩy sự tăng trưởng của TTCK trong thời điểm hiện tại. Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra, 100% số chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng thuận rằng, triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam là yếu tố quan trọng nhất tác động tới TTCK năm 2023. Trong đó, 85,7% cho rằng tác động là tích cực, 14,3% lo ngại việc không đạt được các mục tiêu như kế hoạch sẽ gây ra tác động tiêu cực đến tâm lý chung toàn thị trường.
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh
Chứng khoán trong nước đi ngang, hội nhóm lừa đảo đầu tư cổ phiếu quốc tế nở rộ