Phiên giao dịch thứ Sáu ngày 13/8 diễn ra khá nhào lộn. Sau diễn biến lình xình trong biên độ hẹp ở phiên sáng, thị trường bất ngờ bị bán rất mạnh ngay sau giờ nghỉ khiến các chỉ số chìm trong sắc đỏ, trong đó VN-Index có thời điểm mất tới 16 điểm. Nhưng cũng tại đây, lực cầu bắt đáy ngay lập tức xuất hiện giúp các chỉ số nảy ngược trở lại để vượt qua tham chiếu và đóng cửa với sắc xanh ở cả 3 chỉ số.
Sắc đỏ chi phối thị trường ngay từ đầu phiên do áp lực bán mạnh tập trung vào các cổ phiếu midcap đã tang nóng thời gian qua như cảng biển, phân bón. Bất chấp nỗ lực gồng đỡ của nhóm vốn hóa lớn, áp lực chốt lời ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch chung của thị trường. Tuy vậy, lực cầu đối ứng xuất hiện đã giúp chỉ số tìm lại điểm cân bằng.
Hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh từ đầu phiên sáng. Đáng chú ý, nhóm bất động sản vươn lên dẫn dắt thị trường, kế đó còn có dòng ngân hàng, thép, điện, viễn thông cố định, dược phẩm giao dịch khởi sắc giúp chỉ số lấy lại sắc xanh.
Các mã ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số có VPB, VHM, VIC, BCM, SSI... Trong khi MSN, GAS, VCB, MWG, SSB là lực cản chính của thị trường.
Những phút tiếp theo, nhóm ngân hàng chuyển đỏ gây áp lực lên chỉ số, lúc này số ít ngành còn giữ được sắc xanh là bất động sản, dịch vụ tài chính, dược phẩm. Họ Vingroup là lực đỡ lớn nhất của thị trường khi đóng góp hơn 3 điểm cho đà tăng của VN-Index.
Bất chấp áp lực điều chỉnh từ thị trường, nhiều cổ phiếu đầu cơ vẫn đóng cửa phiên sáng tại giá trần như VMD, TGG, RIC, PMG, HU1, DQC, CEE và CRC. Khối ngoại và khối tự doanh công ty chứng khoán duy trì vị thế bán ròng với giá trị lần lượt là 110 tỷ và 93 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 4,99 điểm (0,37%) còn 1.348,06 điểm, HNX-Index giảm 0,32% còn 333,25 điểm, UPCoM-Index giảm 0,7% về 91,33 điểm.
Bước sang phiên chiều, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh khiến thị trường đổ dốc và VN-Index bốc hơi tới 16 điểm. Sắc xanh le lói của nhóm bất động sản không đủ để chống đỡ lực cung áp đảo của thị trường.
Tuy nhiên, lực kéo từ nhóm vốn hóa lớn giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Nhóm cổ phiếu phân bón ngay lập tức quay đầu bứt phá với bộ đôi DCM, DPM tăng trần. Bên cạnh đó, LAS và BFC cũng khởi sắc trở lại.
Qua đó, VN-Index bất ngờ ngược dòng tăng điểm trong những phút cuối khiến các nhà đầu tư vội vã chốt lời trong nhịp điều chỉnh không khỏi tiếc nuối. Thị trường rung lắc với biên độ lớn trong phiên cuối tuần nhưng điểm tích cực là chỉ số vẫn duy trì được xu hướng tăng.
Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản dẫn dắt đà tăng với mức đóng góp gần 2,6 điểm cho VN-Index.
Bên cạnh đó, 30 phút cuối phiên chiều còn chứng kiến đà hồi phục tích cực của nhiều ngành khác như hóa chất, chứng khoán, thép, ngân hàng, vận tải... Ngay cả hai nhóm chịu áp lực chốt lời mạnh mẽ từ đầu phiên là phân bón và cảng biển cũng đã lấy lại sắc xanh.
Chốt phiên giao dịch, trên sàn HOSE có 166 mã tăng và 205 mã giảm, VN-Index tăng 4 điểm (+0,3%) lên 1.357,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 744,15 triệu đơn vị, giá trị 24.628,63 tỷ đồng, nhích nhẹ về khối lượng và tăng 8,57% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,43 triệu đơn vị, giá trị 1.644,67 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, thị trường cũng giật mạnh đi lên vào cuối phiên nhờ lực cầu tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechip. Chốt phiên giao dịch, sàn HNX có 92 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index tăng 2,64 điểm (+0,79%) lên 336,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 162,2 triệu đơn vị, giá trị 3.629,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,91 triệu đơn vị, giá trị 169,46 tỷ đồng.
Tại thị trường UPCoM, thị trường cũng kịp hồi phục sắc xanh ở những phút cuối phiên. Chốt phiên giao dịch, UpCoM-Index tăng nhẹ 0,2 điểm (+0,21%) lên 92,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 83,54 triệu đơn vị, giá trị 2.092,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,3 triệu đơn vị, giá trị 137,97 tỷ đồng, trong đó riêng MVC thỏa thuận 10,5 triệu đơn vị, giá trị 105 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, khối ngoại giao dịch tiêu cực hơn khi mua vào 31 triệu cổ phiếu, trị giá 1.581 tỷ đồng, trong khi bán ra 42,5 triệu cổ phiếu, trị giá 2.355,5 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 12,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 774,4 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 780 tỷ đồng, gấp 5,5 lần phiên trước, tương ứng khối lượng bán ròng là 12 triệu cổ phiếu, đây cũng là phiên bán ròng thứ 4 của khối ngoại sàn này với tổng giá trị 2.262 tỷ đồng.
Mã SSI và VHM bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 490 tỷ đồng và 250 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VIC cũng bị bán ròng 82 tỷ đồng. Chiều ngược lại, PLX được mua ròng mạnh nhất với 98 tỷ đồng. MBB và STB được mua ròng lần lượt 69 tỷ đồng và 42 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại giảm đáng kể giá trị bán ròng so với phiên trước khoảng hơn 50% xuống còn 12 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 180.176 cổ phiếu - đây cũng là phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp của dòng vốn này.
Khối ngoại sàn HNX mua ròng tập trung 2 mã PAN và DXS với giá trị lần lượt 3,4 tỷ đồng và 3,2 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VND bị bán ròng mạnh nhất với 8,7 tỷ đồng. BSI đứng sau và bán ròng 4,4 tỷ đồng. Các mã NBC, VCS và PLC đều bị bán ròng trên 1 tỷ đồng.
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp, với giá trị tăng 6,6% so với phiên trước và ở mức hơn 26 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 760.504 cổ phiếu. Cổ phiếu QNS đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn UPCoM với 13,5 tỷ đồng. MCH và PVP được mua ròng lần lượt 4,8 tỷ đồng và 2,45 tỷ đồng. Chiều ngược lại, ABI là mã duy nhất có giá trị bán ròng của khối ngoại trên UPCoM lớn hơn 1 tỷ đồng.