'Chung mâm' với Coteccons, ông Lê Viết Hải nói gì về gói thầu gần 1,5 tỷ USD?

11-07-2023 12:59|Mạnh Hà

Xây dựng Hòa Bình do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch vừa trải qua một năm thua lỗ lớn. Nhiều người lo ngại khi HBC trong liên danh tham gia gói thầu trị giá gần 1,5 tỷ USD của Sân bay Long Thành

Cổ phiếu tăng giữa tin xấu

Cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch có diễn biến tích cực trong vài phiên giao dịch gần đây. HBC tiếp tục tăng giá và hướng trở lại ngưỡng 10.000 đồng/cp trong bối cảnh Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa đưa cổ phiếu này vào diện cảnh báo (kể từ ngày 13/7).

HBC bị đưa vào diện cảnh báo vì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 là số âm. Doanh nghiệp này ghi nhận con số lỗ năm 2022 sau kiểm toán tăng mạnh so với báo cáo tự lập, từ mức lỗ 1.202 tỷ đồng lên mức lỗ 2.570 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của tập đoàn là hơn 2.100 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC (Ảnh Hoàng Hà)

Theo kiểm toán, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

HBC cũng bị HOSE cắt margin. Trước đó, cổ phiếu này đã nằm trong diện bị hạn chế giao dịch.

Thời gian gần đây, HBC cũng gặp rất nhiều khó khăn. Dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này “có vấn đề”. Nợ phải trả của Hòa Bình gấp cả chục lần vốn chủ sở hữu. Việc khoản lỗ năm 2022 bất ngờ tăng vọt khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chuyển âm 883 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.

Trong khi tổng tài sản giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2021 về mức 15.594 tỷ thì nợ phải trả của HBC tăng từ mức 12.520 tỷ đồng (cuối năm 2021) lên mức 14.376 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 90% tài sản của công ty hình thành từ nợ.

Trong khi đó, tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn của HBC đang ở mức 12.900 tỷ đồng.

Mặc dù thua lỗ kỷ lục và doanh nghiệp vừa bước ra khỏi cuộc nội chiến nhưng cổ phiếu HBC diễn biến tích cực. Trong phiên 10/7, HBC tăng 0,73% lên 9.620 đồng/cp. Trong phiên liền trước, HBC đã tăng 3,8%.

Chủ tịch HBC nói gì về việc tham gia gói thầu 1,5 tỷ USD?

Gần đây, Xây dựng Hòa Bình do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch bị nghi ngờ không đủ năng lực tài chính tham gia gói thầu 35.000 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD) của dự án Sân bay Long Thành. Doanh nghiệp có thể còn khó khăn sau cuộc nội chiến kéo dài từ cuối năm trước.

Với tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách Sân bay Long Thành dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 8/2023.

Hiện có 3 liên danh tham gia đấu thầu gói thầu này. Trong đó chỉ có một liên danh do doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu. Liên danh Hoa Lư là tập hợp của nhiều nhà thầu xây dựng thuộc top đầu thị trường hiện nay, bao gồm Xây dựng Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An,... Đứng đầu liên danh là CTCP Xây dựng Coteccons.

Phát biểu trong một sự kiện mới đây, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình cho biết, năng lực tài chính của Hòa Bình sẽ không ảnh hưởng gì đến dự án. HBC đã được các ngân hàng cấp hạn mức riêng cho dự án này. Các chỉ số tài chính đã được cải thiện sau khi HBC đánh giá lại tài sản máy móc thiết bị và đã có nhà đầu tư mua lại với giá 1.100 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh sau khi các nhà cung cấp, nhà thầu phụ đăng ký mua cổ phiếu theo kế hoạch phát hành của Hòa Bình. HBC cũng tự tin về việc thu được các khoản phải thu cho dù doanh nghiệp đã trích lập 1.700 tỷ đồng dự phòng nợ khó đòi.

Bên cạnh đó, ông Hải cho biết, nếu có bất kỳ bất trắc nào đó xảy ra về tài chính với Xây dựng Hòa Bình hay thành viên nào trong liên danh thì Coteccons - người đứng đầu liên danh sẽ hỗ trợ.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023 của HBC hôm 27/6, giới đầu tư khá bất ngờ khi nhiều đại diện doanh nghiệp xây dựng hàng đầu tại Việt Nam có mặt. Các “ông trùm” ngành xây dựng tham dự, trong đó có cả "đối thủ", ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT của Công ty xây dựng Coteccons.

Coteccons gần đây vượt Xây dựng Hoà Bình và lấy lại ngôi đầu bảng nhà thầu xây dựng 2023.

Bên cạnh đại diện Coteccons, ĐHCĐ còn có đại diện Công ty Xây dựng Central Cons - Chủ tịch HĐQT Trần Quang Tuấn; Đại diện CTCP Xây dựng An Phong - Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Đồng.

Trong thông điệp gửi tới cổ đông gần đây, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải giãi bày, trong giông bão, Hòa Bình lùi lại một bước để làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện với quyết tâm đưa Hòa Bình vượt qua thách thức và dần ổn định để tiếp tục phát triển và khôi phục vị thế vốn có của mình.

Kế hoạch tái cấu trúc toàn diện đã được HĐQT và Ban Điều hành Hòa Bình bắt tay vào triển khai, tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng bao gồm: Tái cấu trúc tài chính; Tái cấu trúc nguồn nhân lực; Tái cấu trúc sản phẩm và thị trường; Tái cấu trúc hệ thống quản lý; Tái cấu trúc hệ thống các công ty thành viên và công ty liên kết.

Tính đến ngày 23/6/2023, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng. 

Tại ĐHCĐ, CEO Lê Văn Nam cho biết, đang có đối tác Úc sẵn sàng mua cổ phiếu HBC từ 60-100 triệu USD.  Hai bên được biết đã ký MOU.

Năm 2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh với doanh thu 12.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog là 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng,... Lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.

Công ty nòng cốt của Coteccons (CTD) trúng thầu thi công siêu dự án 2 tỷ USD lớn nhất tỉnh Khánh Hòa

Coteccons (CTD) huy động 1.000 nhân sự và 180 thiết bị thi công siêu dự án của ‘đế chế’ nước giải khát Suntory PepsiCo

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chung-mam-voi-coteccons-ong-le-viet-hai-noi-gi-ve-goi-thau-1-5-ty-usd-2163925.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Chung mâm' với Coteccons, ông Lê Viết Hải nói gì về gói thầu gần 1,5 tỷ USD?
    POWERED BY ONECMS & INTECH