Tài chính Ngân hàng

Chuyên gia cảnh báo nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý 4 năm nay

Linh Nhi 27/10/2023 - 11:44

Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.

Loạt yếu tố bất lợi như sự cố SCB, doanh nghiệp khó khăn, bất động sản đóng băng khiến tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Đây là số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt là SCB, Dong A Bank, CBBank, OceanBank và GPBank. Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.

Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước, chiếm 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ tín dụng.

Lãnh đạo một số nhà băng cho rằng, nhiều khả năng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý 4 năm nay và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, nợ xấu tùy thuộc vào sự chống chọi của doanh nghiệp trước điều kiện thị trường có khó khăn.

“Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm nhanh. Nhưng phải đến cuối quý 4/2023 nợ xấu mới có thể đạt đỉnh thì hợp lý hơn hoặc đầu năm 2024. Kinh tế vẫn khó khăn khiến không ít doanh nghiệp vẫn báo lỗ và nợ xấu khá nhiều, trong khi, số lượng hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp chưa về nhiều. Quý 4/2023 được kỳ vọng thị trường hồi phục thì nợ xấu mới đạt đỉnh”, TS. Huân nói và cho rằng, những chính sách giải cứu thị trường của Chính phủ và NHNN có thể phải tới quý 4/2023 mới bắt đầu phát huy hiệu quả.

Vả lại, tốc độ giảm của nợ xấu còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường bất động sản... Nếu thị trường bất động sản ấm lên khả năng sẽ tác động tích cực đến việc xử lý tài sản đảm bảo và kéo nợ xấu giảm.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động khi diễn biến xung đột Nga - Ukraine trở nên phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái, đặc biệt là sau sự cố liên quan đến một số ngân hàng tại Mỹ vừa qua.

Hiện việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức.

Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, khung khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

VNBA: Ngân hàng gặp khó, nợ xấu tăng cao, dự báo kết quả hoạt động sẽ giảm mạnh

4 ngân hàng yếu kém vừa hoàn tất chuyển giao bắt buộc có quy mô ra sao?

Ngân hàng yếu kém DongA bank bị chuyển giao bắt buộc, quyền cổ đông chấm dứt?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-canh-bao-no-xau-se-dat-dinh-vao-quy-4-nam-nay-207862.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia cảnh báo nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý 4 năm nay
    POWERED BY ONECMS & INTECH