4 ngân hàng chuyển giao bắt buộc giờ ra sao?
Nhiều năm qua, thông tin về kết quả kinh doanh của các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt không được công khai. Kể từ sau chuyển giao bắt buộc, những thông tin về sức khoẻ các ngân hàng này đang dần được hé lộ.
Bốn ngân hàng từng bị kiểm soát đặc biệt, nay đã hoàn tất chuyển giao bắt buộc gồm GPBank, MBV, Vikki Bank và VCBNeo. Cả bốn đang được tái cơ cấu theo định hướng trở thành ngân hàng số, tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ.
Trong số này, GPBank là ngân hàng duy nhất chưa thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu sau chuyển giao. Tuy nhiên, có thể nói 4 ngân hàng trên đều đã khoác lên mình "tấm áo mới" thông qua sự chuyển dịch về nhân sự, công nghệ, sản phẩm, dẫn đến kết quả kinh doanh được cải thiện.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, khẳng định việc nhận chuyển giao bắt buộc GPBank đã giúp VPBank đa dạng hoá sản phẩm, hoàn thiện hệ sinh thái theo mô hình tập đoàn tài chính. Đồng thời, 2025 sẽ là năm đầu tiên GPBank có lãi sau thời gian dài thua lỗ.

Cụ thể, theo tiết lộ từ Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, trước đây GPBank mỗi năm lỗ cả nghìn tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, năm nay GPBank sẽ đạt lợi nhuận tối thiểu 500 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng các chương trình hành động chi tiết cho GPBank nên chắc chắn sẽ tái cơ cấu thành công ngân hàng này”, ông Ngô Chí Dũng nói.
Với MBV, ngân hàng mẹ MB đã tiếp nhận vào tháng 11/2024. Theo ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB, 2025 sẽ là năm đầu tiên MBV ghi nhận lợi nhuận dương.
MBV được hỗ trợ mạnh từ MB về nhân sự, công nghệ và định hướng phát triển, đặc biệt là thử nghiệm sản phẩm số cho giới trẻ.
“Ngân hàng nhỏ có lợi thế linh hoạt, chăm sóc khách hàng sát sao hơn, và là ‘phòng thí nghiệm’ lý tưởng cho chiến lược số hóa”, ông Trung nhận định.
Đối với Ngân hàng số Vikki, ông Phạm Quốc Thanh, Quyền Tổng Giám đốc HDBank, cho biết, quá trình tái cấu trúc toàn diện đang được thực hiện. Từ một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, Vikki Bank dần trở thành ngân hàng số theo hướng trẻ trung, năng động.
“Vikki Bank đang 'thay da đổi thịt' và không có sự tắc nghẽn trong quá trình chuyển đổi. Chúng tôi sẽ triển khai chiến lược về Vikki Bank trong mảng bán lẻ và SME, phù hợp với chiến lược phát triển của tập đoàn”, ông Thanh nói.
Đối với VCBNeo, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho hay ngân hàng đã hoàn tất chuyển đổi hệ thống core banking cho VCBNeo, sử dụng đồng bộ với Vietcombank để đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành.
Các hệ thống công nghệ mới, quy trình, quy chế và nhân sự cũng đang được rà soát, nâng cấp theo chuẩn mực Vietcombank.
Về định hướng phát triển, VCBNeo sẽ được xây dựng thành ngân hàng số, vận hành chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại thay vì mạng lưới chi nhánh truyền thống. Chiến lược này nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số toàn ngành.
Ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, Vietcombank đang xây dựng lộ trình phục hồi rõ ràng cho VCBNeo và kỳ vọng sẽ sớm báo cáo cổ đông về tiến độ và kết quả thực hiện.
Bên cạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm theo mô hình tập đoàn tài chính, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên hơn về room tín dụng.
“Với việc tiếp nhận MBV, ngân hàng mẹ MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 24% trong năm nay và 35% vào năm 2026”, Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh chia sẻ.
Ngoài ra, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc còn đang thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư ngoại.
Theo Nghị định 69 vừa được ban hành, từ 19/5, tổng sở hữu nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao (trừ ngân hàng có vốn Nhà nước trên 50%) có thể vượt 30%, tối đa đến 49% vốn điều lệ. Điều này tạo ra lợi thế lớn cho VPBank, MB và HDBank trong thu hút vốn quốc tế.
Tuy nhiên, Vietcombank và VCBNeo, do vẫn thuộc nhóm có sở hữu Nhà nước trên 50%, không thuộc diện được nới room.
Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) chính thức được chuyển giao bắt buộc vào tháng 10/2024. Theo đó, OceanBank được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), được đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV). CB được chuyển giao bắt buộc về Vietcombank và được đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo). Tháng 1/2025, hai ngân hàng yếu kém tiếp theo là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) lần lượt được chuyển giao bắt buộc về VPBank và HDBank, qua đó NHNN chính thức hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém sau gần 10 năm kiểm soát đặc biệt các ngân hàng này. Trong đó, Dong A Bank được đổi sang tên mới Ngân hàng số Vikki (Vikki Digital Bank). |
>> GPBank bổ nhiệm bà Phạm Thị Nhung giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên mới