Chuyên gia Hoàng Minh Sơn cho rằng, đặt tên làm sao để giảm phiền hà cho người dân là điều mà chính quyền địa phương phải đặt lên hàng đầu.
Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được quy định tại Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2023. Trong quy định, việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường. Trong đó dự kiến tên gọi mới của các xã, phường sau khi sáp nhập nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Hiện tại, phần lớn các địa phương đang đặt tên theo cách ghép hai tên cũ lại với nhau; đặt tên mới nhưng vẫn lấy từ gốc của tên cũ hoặc đặt hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, đã xảy ra những tranh cãi kịch liệt của người dân. Ví dụ như tên Đôi Hậu - một tên xã mới dự kiến được đặt sau sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - gây "bão mạng" vì cái tên "nghe kỳ kỳ" khi tên mới được ghép đôi kiểu cơ học. Một vấn đề nữa mà người dân xã Quỳnh Đôi không chịu đồng tình là lo "mất gốc" khi tên Quỳnh Đôi có từ năm 1946 vì đã gắn liền với lịch sử, với bao thế hệ có nguy cơ biến mất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với việc đặt tên xã phường sau khi gộp, không chỉ là vấn đề danh xưng tên gọi mà còn là những thủ tục rắc rối xung quanh. Đặt tên làm sao để giảm phiền hà cho người dân là điều mà chính quyền địa phương phải đặt lên hàng đầu.
Số cán bộ dôi dư khi sắp xếp huyện, xã trong 2 giai đoạn. Ảnh Lê Hiệp. |
Để giảm thiểu hết mức những khó khăn và rắc rối về điều này, Ths. Hoàng Minh Sơn - Chuyên gia nghiên cứu về giao thông và các vấn đề xã hội đã đưa ra một số ý kiến về giải pháp gộp tên xã, phường. Ông Sơn cho rằng, gộp tên có ưu điểm nhưng cũng có những khuyết điểm. Và cần phải có lộ trình để khuyết điểm giảm thiểu tới mức thấp nhất.
“Tôi thấy gộp tên có một bất cập là làm thay đổi giấy tờ hành chính của người dân. Người dân sẽ phải làm lại toàn bộ giấy tờ liên quan đến bản thân mình. Điều này không chỉ gây mất thời gian bởi thủ tục hành chính rườm rà, mà còn gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. Một điều nữa mà ít người chú ý đến là lượng rác thải ra từ đống giấy tờ tuỳ thân cũ không phải là ít. Đó là sự tốn kém. Vì vậy, việc đặt tên cũng phải tính toán giảm tác động đến người dân.
Một giải pháp đưa ra là sử dụng 1 cái tên có sẵn. Ví dụ giữa 2 xã, phường cần sáp nhập lại với nhau, đơn vị nào có dân số đông hơn thì sẽ lấy tên đơn vị đó đặt tên sau sáp nhập, để số đông người dân đỡ phải làm lại giấy tờ. Phương pháp này có thể “nhẹ gánh” một nửa công việc chuyển đổi giấy tờ của người dân. Người dân phải tạo điều kiện cho nhau và vì lợi ích chung cho quốc gia chứ không phải tranh cãi ông phải dùng tên xã tôi hay là tên xã tôi đẹp hơn xã ông”.
Một số phường tại Hà Nội đã làm công việc gộp tên rất tốt. Đơn cử như: phường Cầu Dền nhập vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa; Thanh Xuân Nam và Thanh Xuân Bắc sáp nhập thành phường Thanh Xuân Bắc; Kim Giang và Hạ Đình thành phường Hạ Đình…
>> Hà Nội dự kiến giảm 61 xã, phường sau sáp nhập
Rắc rối của việc tinh gọn bộ máy hành chính công
Một vấn đề nữa mà nhiều chuyên gia và được Ths. Hoàng Minh Sơn đề cập đến là chính sách gộp tên theo như Chính phủ đưa ra là tinh gọn bộ máy chính quyền, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công. Điều này không phải bàn cãi nữa nhưng nó cũng có thể sinh ra nhiều bất cập cho một số địa phương.
Về số học ai cũng hiểu tinh gọn là gì nhưng vấn đề phát sinh ở đây là hiệu quả công tác quản lý có thực sự được đảm bảo hay không và có thực sự tinh giản biên chế được không?
Nguyên nhân là số cán bộ quản lý đảm bảo hoàn thành công việc phải được dựa trên số nhân khẩu chứ không phải chỉ dựa trên số địa bàn hành chính. Ví dụ, 2 phường sáp nhập thành 1 thì còn 1 bộ máy hành chính nhưng số nhân khẩu không đổi và diện tích địa bàn cũng vẫn vậy. Theo đó, để đảm bảo công tác quản lý tốt, vẫn cần một số lượng cán bộ đủ để đảm đương. Nếu cắt giảm thì có thể sẽ không đảm đương khối lượng công việc được, dẫn đến công việc trì trệ, hiệu quả kém.
Để giải quyết được vấn đề này, theo Ths. Hoàng Minh Sơn cần có một lộ trình mới đảm bảo việc sáp nhập được theo hướng tích cực cho xã hội.
“Việc rút gọn bộ máy cấp địa phương có thể tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước nhưng ngược lại, phải xử lý đội ngũ cán bộ hiện tại như thế nào, sắp xếp ra làm sao. Đối với công chức, viên chức như thế nào không phải là điều dễ dàng. Mỗi xã, mỗi phường khi sát nhập phụ thuộc vào quy mô và tình hình thực tế. Vì vậy không thể áp dụng chung một giải pháp cho tất cả. Đơn vị nhiều thì cũng khó cắt giảm số lượng cán bộ mà đơn vị ít thì cũng không thể gộp vào rồi cho cán bộ thôi việc được".
Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, khung vị trí việc làm tại cấp xã, phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ nên rất khó khăn để sắp xếp đội ngũ dôi dư. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một vị trí việc làm có nhiều công chức hơn so với quy định.
Trong khi đó, một số trường hợp buộc phải biệt phái, điều chuyển công tác hoặc cho thôi việc nên cũng tác động đến tư tưởng của cán bộ, công chức, người lao động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.
Một số địa phương đã có chính sách trợ cấp đối với những người phải thôi việc. Nhưng một số vẫn đang loay hoay chưa có phương án giải quyết cuối cùng.