Vĩ mô

Chuyên gia kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau siêu bão Yagi

Khúc Văn 23/09/2024 - 12:12

Để đảm bảo hiệu quả hỗ trợ sau bão, các chuyên gia cho rằng cần tách bạch các chương trình hỗ trợ. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đồng lòng, đồng hành từ mọi cấp, mọi ngành.

Cơn bão số 3 (Yagi) lịch sử vừa qua có phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại về tài sản do bão gây ra trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo.

Chuyên gia kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau siêu bão Yagi
Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.

Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề

Về những thiệt hại do bão gây ra, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết theo số liệu của các ngân hàng, khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng.

Theo thông tin được tổng hợp từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất nặng nề, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hóa…

“Phần lớn các doanh nghiệp khác tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng gián tiếp như phải đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giảm năng suất, doanh số trong thời gian bão lũ do người lao động không thể đi làm, hàng hóa không thể vận chuyển hoặc không thể tiếp cận được khách hàng”, VCCI nhấn mạnh.

Vì thế mới đây, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số nội dung chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, đối với các ngành, lĩnh vực tại địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 3, VCCI đề xuất hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với lồng bè nuôi trồng thủy-hải sản theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP (Nghị định 02), cân nhắc tăng mức tiền hỗ trợ và áp dụng cho cả các doanh nghiệp nuôi trồng thủy-hải sản. Còn đối với tàu cá, tàu du lịch thì hỗ trợ thiệt hại thực tế theo định mức.

VCCI cũng đề xuất miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thủy-hải sản đến hết 2025; miễn các loại phí và lệ phí có liên quan như lệ phí ra vào cảng biển, cảng bến thủy nội địa, phí sử dụng vị trí neo đậu trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm; hỗ trợ 50 - 70% chi phí mua bảo hiểm cho các loại tàu cá, tàu du lịch đến hết năm 2025.

Theo VCCI, cần cân nhắc việc miễn hoặc giảm 50% số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với đối tượng này trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng. Cân nhắc việc giảm các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội trong khoảng 4 đến 6 tháng; cân nhắc miễn phần kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng.

Thứ nhì, đối với ngành, lĩnh vực khác tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ, VCCI đề xuất nhanh chóng thực hiện biện pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp được quy định tại Nghị định 02. Đặc biệt, VCCI đề nghị mở rộng diện được nhận hỗ trợ gồm cả các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại bởi bão lũ và cân nhắc nâng mức hỗ trợ cho phù hợp.

Ngoài ra, VCCI đề nghị cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu từ mức 10% xuống mức 8% từ tháng 9 đến tháng 12/2024 đối với các cơ sở bán lẻ xăng dầu tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, đặc biệt là các địa phương vùng núi phía bắc.

Thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng điện nên được cân nhắc giảm từ mức 8% xuống 6% đối với các khách hàng sử dụng điện; cân nhắc tiếp tục gia hạn thời điểm nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp sang năm 2025; cân nhắc việc giãn thời điểm nộp các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội từ 4 đến 6 tháng cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ.

Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) dự đoán hậu quả của bão số 3 có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 giảm từ 0,18 đến 0,2% GDP, làm đình trệ, cản trở nhiều hoạt động kinh tế. Do đó, việc Chính phủ nhanh chóng ra Nghị quyết số 143/NQ-CP là điều rất “đúng” và “trúng” để giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi.

Ông Thịnh cho rằng việc yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách giãn nợ, hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ xấu đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất mà không phải lo lắng về áp lực trả nợ ngay lập tức.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng đánh giá cao việc nghị quyết đã đưa ra các định hướng về giải pháp khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái thiết sau bão…

“Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng bộ, ngành và các địa phương. Từ việc tái thiết cơ sở hạ tầng đến bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và các khía cạnh khác của đời sống xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp có thể thực thi, triển khai thực hiện nhiệm vụ khôi phục hoạt động một cách hiệu quả”, ông Thịnh nói.

>>Bão Yagi đã tác động thế nào đến GDP của Việt Nam?

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định Nghị quyết 143/NQ-CP là rất kịp thời và quyết liệt, nhưng để đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đồng lòng, đồng hành từ mọi cấp, mọi ngành.

“Nếu được vậy, chúng ta có thể thể tin tưởng nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau siêu bão Yagi
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để đảm bảo sự hỗ trợ phục hồi sau bão đạt được kết quả cao nhất.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Hoàng Hiệp, để đạt được hiệu quả hỗ trợ rõ ràng, trước hết cần tách bạch các chương trình hỗ trợ.

Ví dụ, về tài khóa, Chính phủ đang thực hiện chương trình hỗ trợ kéo dài thời gian thực hiện giảm mức thuế giá trị gia tăng, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tiếp tục giảm các khoản thu phí, lệ phí… Do đó, cần có chủ trương hỗ trợ thuế, phí, lệ phí riêng phù hợp với kích thích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại các địa phương vùng bão một cách cụ thể. Qua đó, tránh trùng lắp 2 chương trình dẫn đến triển khai đại trà, giảm hiệu quả.

Tương tự, theo ông Hiệp, gói hỗ trợ lãi suất 0% cần sự vào cuộc của ngành ngân hàng. Chúng ta nên có một gói cụ thể có tổng giá trị chương trình riêng, khác với các gói ưu đãi hỗ trợ đang triển khai, như gói hỗ trợ lãi suất 2% (không hiệu quả và sẽ kết thúc trong năm nay); chương trình 140.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội hay gói 30 nghìn tỷ đồng cho ngành lâm, thủy sản.

“Rút kinh nghiệm của gói hỗ trợ lãi suất 2%, gói hỗ trợ lãi suất 0% nên được tính toán để thông qua các ngân hàng có vốn Nhà nước có điều kiện đi sâu đến các vùng sâu, xa… có thể hỗ trợ khắc phục các thiệt hại trong các lĩnh vực chịu tác động bão lũ lớn như nông nghiệp”, ông Hiệp nêu.

Đối với thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN (được sửa đổi tại Thông tư 06/2024/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ giảm lãi…), ông Hiệp cũng cho rằng rất cần được hỗ trợ kéo dài thêm và điều chỉnh tiêu chí vay nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa vì trong lúc này, doanh nghiệp vẫn cần trợ lực từ phía Nhà nước lâu hơn để nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, ngành ngân hàng cần nhanh chóng đánh giá thiệt hại đầy đủ như yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở đó cần xây dựng thông tư riêng về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trong 26 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3… để tránh chồng chéo đối tượng thụ hưởng, không đi kèm các quy định về trích lập dự phòng rủi ro cụ thể…

Cảnh báo chiêu lừa cài đặt ứng dụng ‘Đăng kiểm Việt Nam’

Đồng Nai cảnh báo việc triển khai san nền giai đoạn 2 sẽ ảnh hưởng đến sân bay lớn nhất Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-kien-nghi-mot-loat-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-sieu-bao-yagi-249733.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau siêu bão Yagi
    POWERED BY ONECMS & INTECH