Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) nên thoái vốn ra khỏi các sân bay để cho nhà đầu tư tư nhân tham gia, vận hành.
Mới đây, tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. Buổi tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia về hạ tầng hàng không nhằm phân tích, đánh giá, kiến giải, luận bàn về vấn đề này.
Nêu ý kiến tại tọa đàm, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho biết trong thời gian vừa rồi, ông có được tham vấn vào một số dự án có ý định xã hội hóa hạ tầng sân bay. Đây là những sân bay hiện hữu, cụ thể là sân bay Vinh ở Nghệ An, sân bay Phù Cát ở Bình Định, sân bay Thành Sơn ở Ninh Thuận. Việc xây dựng các sân bay được địa phương rất quan tâm, muốn thúc đẩy xã hội hóa hạ tầng sân bay để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch.
Khái quát về những khó khăn, vướng mắc, ông Nam cho biết gói gọn trong 4 chữ: “chưa có đường đi”. Tức là nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đi thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa. “Thực tế là sau một thời gian theo đuổi, rất đáng tiếc là các nhà đầu tư trước đây hồ hởi, muốn tham gia vào các dự án sân bay này, thì bây giờ đi hết rồi”, ông Nam nói.
Thực tế, theo ông Nam vấn đề xã hội hóa hạ tầng sân bay đã nói trong 10 năm qua. Nhiều diễn đàn, nhiều cuộc họp và cũng có nhiều chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn không thay đổi được. Để làm được, theo ông cần phải làm rõ nhiều vấn đề.
Trong đó, vấn đề rắc rối nhất là xử lý tài sản của ACV hiện nay đối với các sân bay tới đây sẽ thực hiện xã hội hóa như thế nào. Hiện có hai phương án: Một là ACV sẽ thoái vốn hết khỏi các sân bay đó; phương án hai là ACV tiếp tục ở lại và làm cổ đông chi phối tại các sân bay xã hội hóa.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng không nên đi theo phương án hai, bởi vì hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào đưa tiền cho ACV để ACV chi phối trong các dự án phát triển sân bay. Tôi nghĩ phương án tốt nhất là ACV nên thoái ra để cho nhà đầu tư tư nhân và các liên doanh đầu tư tư nhân tham gia, vận hành. Nhưng vẫn phải có cách để giải quyết tài sản của họ cho khoa học, minh bạch, không thất thoát, rõ ràng”, ông Nam đề nghị.
Ông Nam nói thêm: "Chính vì những lý do mà tôi trình bày như trên, quan hệ về đất đai, quan hệ và cách xử lý khu bay mà Nhà nước quản lý (bao gồm đường băng và đường lăn...) và điều đặc biệt khó khăn là xử lý tài sản hiện hữu của ACV ở các cảng hàng không sân bay đó nên, trong hoàn thiện đề án của Bộ Giao thông và Vận tải tới đây, cần làm rõ những vấn đề như thế, để sau khi Bộ Chính trị thông qua, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành, thì các Bộ ngành, địa phương và nhà đầu tư sẽ biết làm như thế nào.
Từ đó chúng ta mới thúc đẩy được việc xã hội hóa hạ tầng hàng không. Còn nếu không, chúng ta cũng chỉ dừng lại ở vấn đề trao đổi, thảo luận".
Về quy hoạch sân bay, ông Nam lo ngại, nếu như các nhà đầu tư không được quyền tham vấn, không được đề xuất về quy hoạch thì cơ quan nhà nước làm quy hoạch rồi nói là muốn thực hiện xã hội hóa theo quy hoạch sẽ rất khó kiếm được nhà đầu tư.
Ví dụ như dự án sân bay Thành Sơn, sau khi hiểu rằng sẽ là sân bay nội địa thì nhà đầu tư không muốn tham gia nữa. Bởi vì để đầu tư rất nhiều tiền vào sân bay mà chỉ bay nội địa không thì lỗ, lỗ nặng luôn. Từ đó, ông Nam đề nghị phải có cơ chế cho các nhà đầu tư có quyền tham gia đề xuất vào quy hoạch của sân bay mà cơ quan quản lý có ý định thực hiện xã hội hóa.
Phát triển hạ tầng hàng không: ACV nên thoái vốn để tư nhân vận hành sân bay