Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn: Nên coi vàng là một loại hàng hóa, áp dụng thuế như Ấn Độ để điều tiết thị trường
Giá vàng thế giới và trong nước liên tục xác lập đỉnh mới, thu hút sự quan tâm của cả giới đầu tư và người dân.
Thời gian vừa qua, giá vàng thế giới và vàng nhẫn trong nước liên tục vượt đỉnh, khiến cho nhiều người dân và cả giới đầu tư không khỏi lo lắng về tương lai của thị trường kim loại quý.
Để giải đáp những thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital - một chuyên gia hàng đầu về thị trường vàng và ngoại hối, để hiểu rõ hơn về những yếu tố tác động và dự báo trong tương lai.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital. |
Ông có thể phân tích tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu, như chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) lớn, cũng như các sự kiện địa chính trị đến giá vàng trên thị trường quốc tế không? Những yếu tố này có sự tương tác ra sao và ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng tăng giá vàng trong thời gian gần đây?
Theo bộ khung phân tích về giá vàng của Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council), giá vàng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: (1) Chi phí cơ hội (Lợi suất TPCP Mỹ 10 năm, sức mạnh của đồng USD); (2) Mức độ mở rộng của kinh tế (kinh tế tăng trưởng sẽ thúc đẩy nhu cầu của vàng khi thu nhập dân cư tăng lên); (3) Rủi ro và sự bất định: liên quan đến các rủi ro địa chính trị hoặc rủi ro suy thoái. Khi các rủi ro này tăng lên sẽ làm gia tăng thêm vị thế mua vào vàng để phòng vệ trước các rủi ro; (4) Các yếu tố động lượng: Nhu cầu mua vàng trên thế giới (bao gồm: làm trang sức, nhu cầu đầu tư vàng thỏi và vàng xu, nhu cầu vàng của các NHTW, nhu cầu vàng để sản xuất các sản phẩm công nghệ và nhu cầu vàng của các quỹ ETF).
Theo tôi, hiện nay các yếu tố này đang đi theo kịch bản rủi ro suy thoái. Khi kinh tế Mỹ nằm giữa sự bất định của suy thoái, điều này sẽ làm gia tăng xác suất Fed giảm lãi suất nhanh để hỗ trợ kinh tế. Từ đó làm giảm chi phí cơ hội do Lợi suất Trái phiếu Chính phủ và sức mạnh của đồng USD giảm nhanh.
Bên cạnh đó các diễn biến mới đây tại Trung Đông khi giao tranh đang leo thang cũng như nợ công Mỹ liên tục lập đỉnh cũng là những yếu tố tích cực cho giá vàng thế giới.
Cuối cùng, gần đây NHTW Trung Quốc (PBoC) đã tung ra hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ mới nhằm hỗ trợ kinh tế Trung Quốc, điều này cũng tạo nên tâm lý tích cực hơn và làm gia tăng nhu cầu mua vào vàng đặc biệt khi nhu cầu nắm giữ vàng của NHTW Trung Quốc và người dân Trung Quốc đã giúp giá vàng tăng mạnh vào nửa đầu năm 2024.
Ông có nhận định gì về nhu cầu vàng từ các NHTW các nước, đặc biệt là xu hướng mua vào vàng dự trữ của các quốc gia trong bối cảnh kinh tế chính trị quốc tế hiện nay? Liệu xu hướng này có thể tiếp tục đẩy giá vàng tăng cao trong thời gian tới không?
Nhu cầu đầu tư vàng của các NHTW trên thế giới ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cấu trúc nhu cầu vàng thế giới, đặc biệt là giai đoạn chiến tranh Nga và Ukraine nổ ra và Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá đáng kể so với đồng tiền nội địa của các NHTW.
Lý do chính lý giải cho xu hướng này là do các NHTW trên thế giới gia tăng tích trữ vàng với nhu cầu đa dạng hóa dự trữ quốc gia. Khi tình hình kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn và các cú sốc địa chính trị gia tăng, vàng được xem như một tài sản an toàn, giữ giá trị trong thời kỳ khủng hoảng. Trong khi các tài sản khác như tiền tệ và cổ phiếu có thể dễ dàng mất giá trị, vàng lại có khả năng duy trì giá trị ổn định và thậm chí tăng giá trị trong thời điểm bất ổn.
Một yếu tố khác thúc đẩy việc mua vàng là mong muốn giảm sự phụ thuộc vào các tiền tệ thống trị toàn cầu như đồng USD. Khi các quốc gia tăng cường dự trữ vàng, họ có thể giảm sự phụ thuộc vào các đồng tiền quốc tế có thể chịu sự biến động chính trị hoặc kinh tế. Điều này giúp các quốc gia giữ được sự chủ động trong các giao dịch quốc tế và bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi sự biến động của các loại tiền tệ thống trị.
Trong Quý II/2024, các NHTW vẫn tiếp tục xu hướng mua ròng của mình khi nhu cầu tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023 (theo số liệu của World Gold Council). Chúng tôi đánh giá xu hướng này vẫn sẽ còn tiếp diễn khi nhu cầu đa dạng hóa dự trữ của các NHTW vẫn sẽ là tiếp tục để giảm sự phụ thuộc vào USD trong dự trữ ngoại hối của các NHTW.
Giá vàng thế giới và trong nước thường không hoàn toàn đồng nhất. Gần đây, giá vàng nhẫn trong nước đạt mức cao kỷ lục. Ông có thể lý giải những nguyên nhân cụ thể gây ra sự chênh lệch này, và yếu tố nào đã đẩy giá vàng nhẫn trong nước tăng mạnh đến vậy?
Giá vàng trong nước sẽ bao gồm 2 loại chính là vàng SJC và vàng nhẫn, trong đó giá vàng nhẫn sẽ có diễn biến khá tương đồng với giá vàng thế giới. Ngoài ra giá vàng nhẫn còn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như cung cầu vàng trong nước và tỷ giá USD/VND.
Hiện tại, giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh, và nhu cầu vàng nhẫn trong nước tăng lên do việc mua vàng SJC vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này xuất phát từ nhu cầu quá lớn sau khi giá vàng SJC sụt giảm mạnh bởi các biện pháp nhằm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Theo tôi, hai yếu tố này đã góp phần thúc đẩy giá vàng nhẫn trong nước đạt mức cao kỷ lục.
Từ góc nhìn của ông, giá vàng tăng cao sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? Trong bối cảnh này, liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan quản lý có cần thêm biện pháp điều tiết thị trường vàng hay không? Nếu có, ông gợi ý những biện pháp cụ thể nào để tận dụng cơ hội và giảm rủi ro cho nền kinh tế?
Theo tôi, vàng vật chất tại Việt Nam nên được coi là một loại hàng hóa và được điều tiết bởi các loại thuế như các mặt hàng xuất nhập khẩu. Chúng ta có thể tham khảo mô hình của Ấn Độ, một quốc gia nhập khẩu có hệ thống thuế rất chi tiết đối với vàng để điều tiết số lượng vàng xuất nhập khẩu hàng năm. Nhu cầu vàng vật chất tại Việt Nam cần được liên thông với thế giới để tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ, vốn có thể tác động tiêu cực đến thị trường ngoại tệ tự do và ảnh hưởng tâm lý của người dân, đặc biệt khi vàng là một tài sản phổ biến tại Việt Nam.
Để điều tiết và quản lý thị trường vàng trong nước, cần tiếp cận theo hướng vàng là một hàng hoá, từ đó xây dựng hệ thống thuế để điều tiết hành vi của các chủ thể tham gia thị trường, bao gồm người dân, các đơn vị kinh doanh và các đơn vị nhập khẩu. Ngoài ra, để kiểm soát và tối ưu nguồn lực vàng, có thể nghiên cứu mô hình sàn giao dịch vàng vật chất tập trung như của Trung Quốc để minh bạch hóa các giao dịch trên thị trường vàng.
Cuối cùng, ông có thể chia sẻ dự báo của mình về xu hướng dài hạn của thị trường vàng trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh các NHTW lớn trên thế giới có khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ? Ông đánh giá như thế nào về các yếu tố có thể ảnh hưởng lâu dài đến thị trường vàng toàn cầu cũng như trong nước?
Như tôi đã trình bày về mô hình đánh giá triển vọng giá vàng của Hội đồng Vàng Thế giới, tôi cho rằng giá vàng thế giới đang diễn biến theo kịch bản tích cực trong bối cảnh những lo ngại về suy thoái gia tăng. Điều này đi kèm với các xung đột địa chính trị liên tục leo thang và tình trạng nợ công Mỹ không ngừng vượt đỉnh.
Với bối cảnh tổng quan này, nhiều khả năng các NHTW sẽ phải đối mặt với sự bất định và cần đưa ra các chính sách phù hợp. Đầu tiên, cần hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, qua đó giảm chi phí cơ hội và thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng. Thứ hai, các NHTW có thể gia tăng việc nắm giữ vàng trong dự trữ ngoại hối nhằm phòng ngừa những rủi ro địa chính trị đang leo thang. Cuối cùng, xu hướng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD của các NHTW lớn cũng đang ngày càng rõ nét.
Trước đó trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9 của AFA Capital, chúng tôi đã đánh giá vàng vẫn là tài sản triển vọng để nắm giữ trong dài hạn và giữ nguyên tỷ trọng phân bổ đối với lớp tài sản này trong các danh mục đầu tư theo các khẩu vị rủi ro khác nhau. Với những diễn biến mới đây tại Trung Đông cũng như Trung Quốc, cũng như tổng quan bối cảnh vĩ mô thế giới, chúng tôi cho rằng giá vàng có thể tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng chung khá tích cực với vàng.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông!