Chuyên gia nhận định 4 năm vừa rồi các ngân hàng đã tăng trưởng lợi nhuận quá tốt, 2 năm gần đây tăng trưởng lợi nhuận trên 30%. Tuy nhiên đây là mức sinh lời quá tốt và không thể duy trì mãi.
Tại talkshow "DINSIGHTS tháng 5: Triển Vọng Ngành Ngân Hàng 2023", ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, CTCP Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) đã có những đánh giá về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023.
Theo đó, ông Thành nhận định 4 năm vừa rồi các ngân hàng đã tăng trưởng lợi nhuận quá tốt, 2 năm gần đây tăng trưởng lợi nhuận trên 30%, nền lợi nhuận tăng thêm mức rất cao. Khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng Việt Nam lên đến mức tốt nhất trên toàn cầu như VIB ở mức 30%, nhiều ngân hàng có ROE ở mức 24-25%.
Do đó, năm 2023 trở đi các ngân hàng bắt đầu tính đến việc tốc độ tăng trưởng lợi nhuận phải điều tiết trở lại
“Tôi nghĩ đây là mức sinh lời quá tốt và không thể duy trì mãi. Một ngân hàng chỉ cần duy trì khả năng sinh lời ở mức 18-20%. Đó đã là mức khiến các nhà đầu tư dài hạn yên tâm", ông Thành cho biết.
Với các ngân hàng Việt Nam nhất là các ngân hàng trong giai đoạn cần tăng vốn, việc duy trì hồ sơ đảm bảo chỉ suất sinh lời ROE vừa hợp lý ở mức 18-20% cộng với việc quản lý chất lượng tài sản, tôi cho rằng việc các ngân hàng đặt ra kế hoạch lợi nhuận năm nay là hợp lý", ông Thành đánh giá.
Theo ước tính, tổng kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của 17 ngân hàng niêm yết trung bình khoảng 13%. Có một số ngân hàng đặt kế hoach kinh doanh tăng trưởng cao như HDBank khoảng gần 30%, còn lại đều khoảng 11-15%, chỉ riêng Techcombank đặt chỉ tiêu xuống thấp do chỉ số cho vay bất động sản đang hơi cao.
Với nội lực về nguồn khách hàng, khi hoạt động của nền kinh tế quay trở lại bình thường, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến lãi suất ảnh hưởng nhiều đến khả năng vay của nền kinh tế, với xu hướng lãi suất huy động giảm, ông kỳ vọng sắp tới lãi suất sẽ giảm nhanh hơn. Các ngân hàng khi đánh giá tình hình khi tín dụng không đẩy ra được thì họ cũng phải chấp nhận hy sinh một phần NIM của mình để đẩy tín dụng tốt hơn. Do đó lãi suất huy động giảm sẽ là yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế giảm.
“Chúng ta có lẽ phải chờ đến giữa hoặc cuối quý 3 thì tín dụng sẽ quay trở lại tốt hơn", ông Thành nhận định.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia |
Đồng tình với quan điểm của ông Thành, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng lợi nhuận ngân hàng năm 2021-2022 tăng trưởng rất tốt.
Thống kê từ 29 ngân hàng (bao gồm các ngân hàng niêm yết và cả Agribank) cho thấy lợi nhuận trước thuế bình quân tăng trưởng khoảng 34% trong năm 2022. Năm 2023, ông Lực dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng khoảng 13-15%.
Năm nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu giảm lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra, một số ngân hàng tung rất nhiều gói ưu đãi để kích cầu tín dụng và duy trì mục tiêu lợi nhuận. Thực tế trong 4 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã phải trả lãi suất tiền gửi rất cao từ những khoản tiền gửi từ quý IV/2022 đã đáo hạn.
NIM hệ thống ngân hàng năm 2022 khoảng 3,5%, dự báo năm nay sẽ trở lại mặt bằng năm 2021 là khoảng 3,2%. Chuyên gia cho rằng các ngân hàng đã lên kế hoạch thận trọng và sát với tình hình.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư khác (đầu tư chứng khoán, kinh doanh chứng khoán, thu từ phí, mua bán ngoại tệ,...) sẽ không có nhiều đột biến. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng cũng phụ thuộc rất lớn vào vấn đề nợ xấu.
Bức tranh ngành ngân hàng 2025: Tăng trưởng mạnh mẽ, thách thức chờ đợi
Giá vàng tiếp tục neo cao, PNJ lãi gần 1.900 tỷ sau 11 tháng