Xã hội

Chuyện ít biết về ngôi chùa nổi tiếng sở hữu 2 'báu vật' hiếm gặp ở TPHCM

Hà Nguyễn 08/08/2024 - 11:04

Sở hữu “báu vật” độc đáo, hiếm gặp cùng vẻ đẹp kiến trúc, ngôi chùa từng là nhà riêng của gia đình phú hộ ở TPHCM nắm giữ 2 kỷ lục Việt Nam.

W-chua-van-duc- 1.JPG.jpg
Chùa Vạn Đức được biết đến như một trong hai ngôi chùa có kiến trúc đẹp và lớn nhất TP Thủ Đức. Ảnh: Hà Nguyễn

“Cải gia vi tự”

Nằm bên đường Tô Ngọc Vân với chánh điện cao vút, uy nghi, chùa Vạn Đức được biết đến như một trong hai ngôi chùa có kiến trúc đẹp và lớn nhất tại TP Thủ Đức, TPHCM.

Theo tài liệu Lịch sử chùa Vạn Đức, Vạn Đức tự tiền thân là nhà của một gia đình giàu có ở vùng Thủ Đức (TP Thủ Đức ngày nay).

Tài liệu này ghi rõ, năm 1956, gia đình bà Ba Hộ (tên thật là Nguyễn Thị Tánh) phát tâm cúng dường toàn bộ đất và ngôi nhà lớn của mình cho Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

Ban đầu, do bỏ hoang lâu ngày, ngôi nhà hư hại, xuống cấp trầm trọng. Xung quanh nhà, cỏ dại mọc um tùm, che khuất lối đi. Sau khi nhận nhà, đất, thầy Trí Tịnh cùng phật tử hạ cây, phát cỏ...

Sau đó, hòa thượng quyết định giữ nguyên hiện trạng căn nhà cũ. Thầy chỉ xây dựng thêm hạng mục phía trước để toàn bộ công trình có kiến trúc của một ngôi chùa.

W-chua-van-duc-5.JPG.jpg
Điện Quan Âm trong khuôn viên chùa Vạn Đức. Ảnh: Hà Nguyễn

Bên trong căn nhà cũ, thầy Trí Tịnh dọn dẹp sạch sẽ rồi an vị tượng Phật Bổn Sư Thích Ca, hình thành chùa Vạn Đức. Sau quá trình cải gia vi tự (sửa nhà làm chùa -nv), chùa Vạn Đức trải qua nhiều đợt trùng tu lớn, nhỏ.

Năm 2004, chùa bước vào giai đoạn đại trùng tu khu chánh điện, nhà Tổ. Sau đợt trùng tu kéo dài khoảng 2 năm, chùa Vạn Đức trở thành công trình kiến trúc tôn giáo quy mô lớn, có giá trị về mặt thẩm mỹ, tạo hình trong kiến trúc hiện đại.

Phần tam quan của chùa được xây thành 3 tầng, lợp ngói thanh lưu ly truyền thống. Trên các đầu đao mái chùa có họa tiết cách điệu đẹp mắt. Đỉnh mái trang trí họa tiết đài hoa sen sơn màu đỏ.

Trông từ xa, chánh điện của chùa Vạn Đức cao sừng sững, uy nghi như một ngọn tháp chín tầng. Tuy nhiên trong thực tế, nơi đây chỉ được chia làm 2 tầng chính gồm tầng trệt và tầng trên.

W-chua-van-duc-4.JPG.jpg
Chùa nổi tiếng với trần chánh điện cao hơn 40m và giữ kỷ lục là ngôi chùa "Có chánh điện cao nhất Việt Nam". Ảnh: Hà Nguyễn

Tầng trệt của chánh điện là giảng đường. Đây cũng là nơi chùa thuyết pháp cho phật tử. Tầng trên là khu vực nội điện để thờ Phật. Tại đây có nhiều cửa sổ, lan can ở bên ngoài để thờ Phật Thích Ca và Tam thế Phật.

Tài liệu Lịch sử chùa Vạn Đức ghi lại, toàn bộ vách chùa cả trong lẫn ngoài đều được ốp gạch. Đặc biệt, vách bên ngoài của tầng trệt và chánh điện được ốp bằng gạch hỏng, chùa xin về, cắt lại rồi sắp xếp theo kiểu hoa văn để trang trí.

Hai kỷ lục Việt Nam

Cũng trong đợt trùng tu vào năm 2004, chùa Vạn Đức hình thành, giới thiệu 2 “báu vật” hiếm gặp gồm: Chánh điện cao hơn 40m, bức phù điêu cây bồ đề đắp nổi khổng lồ.

Không như các chùa khác, chánh điện Vạn Đức tự có chiều cao tính từ nóc xuống là 43,5m. Xung quanh nội điện có nhiều ô cửa sổ trông như những đám mây trắng.

Mỗi ô cửa sổ này có treo một bức tranh đức Phật. Cạnh cửa sổ là những ô cửa thông gió trang trí họa tiết hình chữ “Phật” bằng chữ Hán.

W-chua-van-duc-2.JPG.jpg
Hai bên vách chánh điện là hệ thống cửa sổ có treo tranh đức Phật. Ảnh: Hà Nguyễn

Phần trần của chánh điện cũng khiến khách tham quan thích thú, ấn tượng. Nơi đây được trang trí bằng những bức phù điêu có họa tiết miêu tả cảnh trời xanh, mây trắng.

Ở độ cao hơn 40m, những họa tiết trên khiến người xem có cảm giác như đang đứng dưới vòm trời bao la. Với độ cao hiếm gặp, chánh điện chùa Vạn Đức được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là ngôi chùa "Có chánh điện cao nhất Việt Nam".

Ngoài kỷ lục trên, chùa còn sở hữu bức phù điêu đắp nổi hình cây bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền.

Bức phù điêu cây bồ đề đại thụ được đắp nổi bằng xi-măng, kích thước lớn trên vách sau chánh điện. Xung quanh gốc bồ đề có tạc hình các vị thần Hộ pháp.

chua-van-duc-3.JPG.jpg
"Báu vật" cũng là kỷ lục Việt Nam thứ hai của chùa là bức phù điêu đắp nổi hình cây bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền. Ảnh: Hà Nguyễn

Theo tài liệu Lịch sử chùa Vạn Đức, sở dĩ chùa có trần chánh điện cao hơn 40m là để đủ không gian cho gốc bồ đề cổ thụ có cả gốc lẫn ngọn. Thân, nhánh cây bồ đề được thợ đắp nổi từng phần bằng xi-măng.

Trong khi đó, lá cây được làm khuôn với kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Thợ xây cùng phật tử đổ khuôn khoảng 10.000 lá bồ đề.

Sau khi hoàn thành phần thân, nhánh, thợ xây gắn từng chiếc lá có kích thước khác nhau lên thân cây sao cho cây bồ đề trông đẹp và sống động như thật.

W-chua-van-duc-6.JPG.jpg
Cuối năm 2017, chùa xây dựng thêm bức tượng Phật cao khoảng 15m bằng đá nguyên khối ở trước chánh điện. Ảnh: Hà Nguyễn

Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cũng đã xác lập bức phù điêu trong chánh điện của chùa Vạn Đức là "Bức phù điêu cây bồ đề đắp nổi lớn nhất nước".

Cuối năm 2017, chùa xây dựng thêm bức tượng Phật cao khoảng 15m bằng đá nguyên khối ở trước chánh điện. Ngoài ra, khuôn viên chùa còn có đài Liên hoa, bên trong tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ tát.

Khuôn viên chùa có nhiều cây xanh, tiểu cảnh trang trí xanh mát. Chùa Vạn Đức thu hút khách thập phương đến chiêm bái, tham quan mỗi ngày.

>> Tỉnh có ngôi chùa lớn nhất Việt Nam bất ngờ được đề cử Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á

Tỉnh có ngôi chùa lớn nhất Việt Nam bất ngờ được đề cử Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á

Tỉnh có ngôi chùa lớn nhất thế giới của Việt Nam lọt đề cử điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chuyen-it-biet-ve-ngoi-chua-noi-tieng-so-huu-2-bau-vat-hiem-gap-o-tphcm-2309267.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyện ít biết về ngôi chùa nổi tiếng sở hữu 2 'báu vật' hiếm gặp ở TPHCM
    POWERED BY ONECMS & INTECH