Chuyện ít người biết về Trần Trinh Trạch: Người sáng lập ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam và cha của ‘công tử Bạc Liêu’
Trần Trinh Trạch, một trong "Tứ đại phú hào" lừng lẫy miền Nam xưa, không chỉ là biểu tượng của sự giàu có với gia sản khổng lồ mà còn được biết đến là người đồng sáng lập ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Trần Trinh Trạch: Hành trình từ cậu bé nghèo đến đại phú hào lừng danh
Sinh năm 1872 tại một gia đình nghèo khó ở Biên Hòa, Đồng Nai trôi dạt về Bạc Liêu khai khẩn đất hoang, Trần Trinh Trạch từ nhỏ đã phải kiếm sống.
May mắn thay, nhờ làm mướn cho một gia đình giàu có gốc Pháp, ông được cử đi học tiếng Pháp thay cho con trai của họ. Chính điều này đã mở ra cơ hội giúp ông trở thành viên chức trong chính quyền thuộc địa.
Năm 1895, khi còn là thư ký điền địa tại Tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu, ông kết hôn với Phan Thị Muồi, con gái của Bá hộ Bì - "Vua lúa gạo Nam Kỳ", người có đất ruộng nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu.
Sau đó, ông thôi làm công chức, chuyển sang làm điền chủ. Thêm nữa, đất ruộng Bá hộ Bì tách bộ chia cho các con đều lần lượt lọt vào tay ông Trạch vì các con và rể khác của ông Bì mê cờ bạc, lần lượt đem cầm cố cho ông, không chuộc được, đành mất luôn.
Sở hữu kiến thức về pháp luật đất đai lúc bấy giờ, công thêm vốn từ cha vợ, ông tích góp không ít ruột đất bằng cách thu mua đất đai của những địa chủ thất cơ lỡ vận. Người ta đồn rằng, Trần Trinh Trạch cũng giàu lên nhờ tổ chức cờ bạc và cho vay nặng lãi, khiến nhiều con bạc mất sạch gia sản vào tay ông.
Bất kể nguồn gốc tài sản từ đâu, đến thập niên 1930, ông đã nắm trong tay 145.000 ha đất, gần một phần bảy tổng diện tích ruộng đất của Nam Kỳ, cùng nhiều bất động sản giá trị ở Bạc Liêu và Sài Gòn.
Chân dung vợ chồng ông Trần Trinh Trạch, nguồn: Ảnh tư liệu, Internet |
Người Việt sáng lập ngân hàng tư nhân đầu tiên
Vào năm 1927, trong bối cảnh nền kinh tế Đông Dương còn nằm dưới sự kiểm soát của người Pháp, Trần Trinh Trạch cùng các cộng sự sáng lập Ngân hàng Việt Nam - ngân hàng đầu tiên của người Việt Nam.
Với cương vị Chánh Hội trưởng, ông đã đặt nền móng cho một định chế tài chính mang tính tự hào dân tộc, dù ngân hàng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do hạn chế từ cơ chế thuộc địa.
Ban lãnh đạo của ngân hàng bao gồm nhiều nhân vật tên tuổi như ông Huỳnh Đình Khiêm, Nguyễn Tân Văn và Nguyễn Văn Của, cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của Trần Trinh Trạch trong giới kinh doanh và chính trị thời bấy giờ.
Trụ sở công ty tín dụng An Nam (Việt Nam Ngân hàng) ở góc Boulevard Charner và Ohier, Sài Gòn (góc đại lộ Nguyễn Huệ và Tôn Thất Nghiệp, TP HCM ngày nay). Nguồn: Ảnh tư liệu, Internet |
Dù có khối tài sản khổng lồ thời điểm đó nhưng ông Trần Trinh Trạch rất giản dị, không ăn chơi và chung thủy. Tuy nhiên, những giá trị đó không được truyền lại cho các thế hệ sau. Ba người con trai của ông, trong đó nổi bật là Trần Trinh Huy (Ba Huy, còn gọi là Công tử Bạc Liêu), tiêu xài phung phí và nhanh chóng làm hao hụt khối tài sản khổng lồ.
Sau khi ông qua đời năm 1942, gia sản được chia cho các con. Thay vì giữ gìn, họ tiêu tán tài sản vào những cuộc chơi xa hoa. Đến thập niên 1960, chính sách cải cách ruộng đất đã thu hồi phần lớn đất đai của gia đình. Không còn nguồn thu nhập từ ruộng đất, cộng thêm việc không biết chuyển đổi kinh doanh sang lĩnh vực khác, gia sản nhà họ Trần dần cạn kiệt.
Đến cuối thập niên 1970, các con cháu ông gần như mất sạch tài sản, phải bán cả ngôi nhà cuối cùng ở Sài Gòn. Con cháu dòng họ phải tự tìm kế sinh nhai, trong đó có người phải làm nghề xe ôm để mưu sinh.
>> Ngành ngân hàng 2025: Thách thức cũ, động lực mới và những cổ phiếu đáng lưu tâm
Ngành ngân hàng 2025: Thách thức cũ, động lực mới và những cổ phiếu đáng lưu tâm
Lãi suất ngân hàng hôm nay 3/12/2024: Lãi huy động tăng 'thần tốc' lên 6,5%/năm