CIR là gì? Vì sao giảm CIR quan trọng với ngân hàng?
Chỉ số CIR là thước đo để đánh giá hiệu suất hoạt động của ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã và đang đẩy mạnh số hóa để từ đó giảm CIR, tăng lợi nhuận cho cổ đông.
Những năm gần đây, các ngân hàng chạy đua khốc liệt để tăng sức cạnh tranh. Chiến lược của mỗi một ngân hàng đều có những điểm khác nhau. Trong các câu chuyện của ngành ngân hàng gần đây, một chỉ số được rất nhiều người quan tâm bên cạnh câu chuyện lợi nhuận, tỷ suất sinh lời, cổ tức, nợ xấu...là CIR.
Giảm CIR là một trong những yếu tố cốt lõi mà giới ngân hàng đang nỗ lực thực hiện. CIR là gì, tại sao việc giảm CIR trở nên quan trọng đối với ngân hàng như vậy? Lý do có nhiều nhưng giảm được CIR là một trong những yếu tố tạo ra lợi nhuận bền vững, dài hạn cho ngân hàng.
CIR là gì?
CIR là viết tắt của từ Cost to Income Ratio hay còn gọi là chỉ số chi phí trên thu nhập. Chỉ số CIR của ngân hàng thể hiện tổng chi phí hoạt động của ngân hàng chiếm bao nhiêu phần trăm tổng thu nhập của ngân hàng đó, từ đó cho thấy mức độ hiệu quả trong vận hành của ngân hàng.
Công thức tính CIR như sau:
CIR = Tổng chi phí hoạt động / Tổng thu nhập hoạt động
Trong đó:
- Tổng chi phí hoạt động không tính đến các khoản chi phí dự phòng rủi ro
- Tổng thu nhập hoạt động bao gồm dòng tiền đến từ:Thu nhập lãi thuần; Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối; (Lỗ)/lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư; Lãi thuần từ hoạt động khác; Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần.
Lấy ví dụ, để tính được CIR của HDBank (mã chứng khoán: HDB) cho kỳ kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, nhà đầu tư có thể mở báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng của HDBank và tính toán theo công thức. Như trong ảnh chụp dưới đây, để tính CIR, nhà đầu tư có thể cộng gộp các yếu tố Thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư, lãi thuần từ hoạt động khác. Sau đó, nhà đầu tư có thể lấy số liệu Chi phí hoạt động chia cho tổng thu nhập lãi thuần vừa mới cộng gộp để ra tỷ lệ CIR.
Với cách tính đó, nhà đầu tư dễ dàng thấy, chỉ số CIR của HDBank cho kỳ kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 đạt 34,77%.
Tầm quan trọng của CIR đối với ngành ngân hàng
Trong lĩnh vực ngân hàng, chỉ số CIR có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đây là một trong các chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Tỷ lệ CIR càng thấp càng cho thấy ngân hàng tốn ít chi phí hơn khi tạo ra mỗi đồng doanh thu, từ đó góp phần gia tăng lợi nhuận. Để giảm chỉ số này, các ngân hàng có thể lựa chọn giảm chi phí hoạt động hoặc tăng thu nhập để tối ưu chỉ số này. Trong đó, tiết giảm chi phí là cách mà hầu hết các ngân hàng hướng đến.
Ngoài ra, chỉ số CIR được dùng làm căn cứ để các nhà đầu tư so sánh các ngân hàng khác trong ngành với nhau. CIR giúp cho họ có cái nhìn tổng quan về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng từ đó lựa chọn được mã cổ phiếu tốt để bỏ túi danh mục đầu tư.
Bên cạnh đó, thông qua chỉ số CIR, các nhà quản lý có thể hiểu được điều kiện kinh tế của ngân hàng, từ đó đặt ra các mục tiêu có giá trị thiết thực hơn để đạt được mức trưởng tài chính và lợi nhuận hợp lý.
Tất nhiên, không phải lúc nào CIR thấp cũng là tốt. Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng, CIR ở mức cao đôi khi không hẳn mang tính tiêu cực. Bởi trong một số giai đoạn nhất định, ngân hàng cần dồn lực đầu tư cho các dự án công nghệ, chuyển đổi số... dẫn tới chi phí tăng mạnh. CIR lúc này có thể không phải là tối ưu nhất, không thấp nhất nhưng năng suất lao động của nhân viên và hiệu quả kinh doanh được nâng cao, giá trị tối ưu sẽ có độ trễ và phản ánh lên các kết quả khác.
Quay trở lại với ví dụ HDBank có thể thấy, HDBank nhiều năm gần đây đã tích cực đầu tư phát triển số. Hoạt động số hóa tác động tích cực đến hiệu quả vận hành của ngân hàng trên nhiều mặt. Sau chu kỳ đầu tư vào số hóa, HDBank hiện đã có thêm rất nhiều khách hàng dùng nền tảng online để giao dịch, mở tài khoản...mà không cần đến ngân hàng. Không chỉ thế, quy trình vận hành nội bộ cũng đã giảm được rất nhiều thủ tục giúp gia tăng hiệu quả. Chỉ số CIR tại HDBank nửa đầu năm nay lần đầu tiên giảm về dưới 35% so với mức trên 40% của khoảng 3 năm trước.
Cụ thể, CIR của ngân hàng HDBank giai đoạn 2019 - 2020 từng trên 40% nhưng đã nhanh chóng giảm mạnh trong năm 2021 và 2022 xuống lần lượt là 38,08% và 39,28%, đến nửa đầu năm nay chỉ còn 34,77%.
Điều này có được nhờ tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng 13% trong khi chi phí hoạt động vẫn được kiểm soát tốt, chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, HDBank là một trong những ngân hàng tối ưu chi phí hoạt động tốt nhất hệ thống ngân hàng.
Nhờ CIR liên tục giảm, lợi nhuận của HDBank 6 tháng đầu năm 2023 nối dài kỷ lục tăng trưởng lợi nhuận năm thứ 10 liên tiếp với 5.484 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó đạt 22%, tiếp tục giữ vị thế ngân hàng thương mại hiệu quả hàng đầu hệ thống.
Ngoài ra, các ngân hàng có CIR thấp trong hệ thống còn có VCB (30,4%), ACB (31,3%), OCB (31,9%), TCB (32,3%), BID (32,4%), MBB (32,8%), HDB (32,4%),...
Lộ diện 15 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2023
HDBank (HDB) cùng lúc nhận ba giải thưởng vinh danh từ HoSE
Điểm danh chiến lược của Top 5 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất