Cổ đông ngân hàng vỡ òa: Mùa cổ tức 2025 xuất hiện mức 35%
Năm 2024, có 9 ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền với tổng số tiền khoảng 30.000 tỷ đồng. Năm 2025, những ngân hàng đầu tiên đã cập nhật mức chia cổ tức tiền mặt.
![]() |
Hình minh họa |
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2025 của nhóm ngân hàng đã chính thức khởi động. Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và tăng vốn, một chủ đề tưởng cũ nhưng lại khiến nhiều cổ đông và ban lãnh đạo phải “đối thoại căng thẳng” chính là chính sách cổ tức, đặc biệt là cổ tức bằng tiền mặt.
Tổng cộng trong năm 2024, có 9 ngân hàng chi trả cổ tức tiền mặt với tổng số tiền lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng – tăng đáng kể so với 23.000 tỷ đồng của năm 2023. Trong đó, những cái tên quen thuộc như VIB, ACB, HDBank, MBBank, VPBank, Eximbank, Techcombank, SHB và TPBank đã lần lượt nhập cuộc chia thưởng. Tuy nhiên, phía sau mỗi tỷ lệ chia đều là những câu hỏi lớn về nội lực ngân hàng, định hướng tăng trưởng và sự hài hòa lợi ích cổ đông.
“Phát súng” đầu tiên năm nay thuộc về VIB với tỷ lệ 7% tiền mặt, tương ứng hơn 2.000 tỷ đồng. OCB nối gót sau khi công bố lần đầu tiên chia tiền mặt với tỷ lệ 7%, tổng chi hơn 1.726 tỷ đồng – một bước ngoặt sau nhiều năm chỉ chia cổ phiếu.
Đến ACB, câu chuyện không chỉ nằm ở con số 10% tiền mặt (tổng cổ tức 25%) mà là một cuộc tranh luận đúng nghĩa. Tại đại hội sáng 8/4, một cổ đông đặt thẳng vấn đề: “Vì sao ACB lại chia tiền mặt cao như vậy? Nếu cứ duy trì mức chia này, 6 năm nữa ngân hàng có thể mất đi một quy mô tương đương hiện tại”. Theo cổ đông này, khi mục tiêu tăng trưởng tài sản năm 2025 chỉ ở mức 14%, thấp hơn định hướng 16% của NHNN, thì cần ưu tiên giữ lại vốn để mở rộng.
Trả lời, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy thẳng thắn nhìn nhận: “Đây là bài toán hài hòa lợi ích cổ đông, cần cân đối giữa ngắn, trung và dài hạn. Ban lãnh đạo sẽ ghi nhận ý kiến để điều chỉnh phù hợp hơn trong các kỳ tới”.
Trong khi đó, LPBank gây bất ngờ khi tuyên bố chia 25% tiền mặt – mức cao hàng đầu ngành – tương ứng số tiền chi ra hơn 7.500 tỷ đồng, tương đương 77% lợi nhuận đạt được năm 2024. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này chia cổ tức tiền trở lại kể từ năm 2018.
MBBank cũng trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tổng tỷ lệ 35%, trong đó chỉ 3% bằng tiền mặt, tương ứng 1.831 tỷ đồng – mức khá khiêm tốn so với phần còn lại bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chia lần này phản ánh quan điểm thận trọng về vốn trước những biến động địa chính trị và rủi ro tăng vốn cấp 2 khó khăn.
Không thể không nhắc đến VPBank – nhà băng từng “gây sốt” với lời hứa từ Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng rằng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt liên tiếp 5 năm, sau hơn một thập kỷ không chia đồng nào. Năm nay là năm thứ ba thực hiện cam kết, góp phần dập tắt làn sóng chất vấn từng làm không khí đại hội căng như dây đàn.
Từ việc được mong chờ như “phần thưởng sau một năm dài nắm giữ”, cổ tức tiền mặt giờ đây lại trở thành một bài toán chiến lược. Chia ít thì cổ đông phản ứng. Chia nhiều thì ngân hàng đối mặt với nguy cơ suy yếu nội lực, ảnh hưởng đến tốc độ mở rộng quy mô.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn đang chịu áp lực vốn và yêu cầu tăng chuẩn Basel III, chính sách cổ tức năm nay có lẽ không chỉ còn là câu chuyện “thưởng bao nhiêu”, mà còn là thước đo về tầm nhìn dài hạn của từng nhà băng.
>> Sacombank (STB) chưa có kế hoạch chia cổ tức trở lại trong năm 2025