Cô gái 27 tuổi suýt chết vì biến chứng tiểu đường, nguyên nhân lại từ đồ uống giới trẻ thích mê, tiêu thụ mỗi ngày
Câu chuyện về 1 người phụ nữ gặp biến chứng tiểu đường, rơi vào nguy kịch như lời cảnh tỉnh chúng ta cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Thói quen uống trà sữa dẫn đến biến chứng tiểu đường
Một cô gái họ Chu (27 tuổi, đến từ Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Vào 1 buổi tối nọ, cô gái trẻ ăn tối và trò chuyện cùng gia đình như thường lệ nhưng đột nhiên ngất xỉu không rõ nguyên nhân. Gia đình cô vội đưa tới bệnh viện và nhận được kết quả bất ngờ.
Theo lời bác sĩ, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu vì biến chứng tiểu đường, từ đó làm rối loạn hô hấp, suy thận. Khi nhập viện, chỉ số đường huyết của cô gái này tăng vượt mức cho phép, lên đến 625 mg/dL. Bệnh nhân sau đó đã được lọc máu, đặt máy thở và may mắn qua cơn nguy kịch. Bác sĩ cho biết nếu như người nhà cô gái không phát hiện và đưa tới bệnh viện kịp thời thì rất có thể bệnh nhân không thể qua khỏi.
Khi tìm hiểu về chế độ ăn uống của cô gái họ Chu, nhiều người không giấu được sự bất ngờ. Cô gái họ Chu thừa nhận thường xuyên tập thể dục để giữ gìn sức khỏe nên vô cùng bất ngờ khi mắc tiểu đường. Tuy nhiên, cô gái 27 tuổi là người nghiện trà sữa nên thường xuyên tiêu thụ thức uống này. Có ngày cô còn uống tới 2-3 cốc nên đã mắc tiểu đường mà không hề hay biết.
Bác sĩ khẳng định chính thói quen uống trà sữa vô tội vạ cùng với tiêu thụ các loại bánh ngọt của cô gái nên lượng đường trong máu tăng cao. Vì thế chúng gây biến chứng nặng nề, đe dọa tính mạng cô gái.
Lối sống khoa học phòng tránh bệnh tiểu đường
Để không mắc căn bệnh này, chúng ta cần quan tâm tới chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và lành mạnh. Chúng ta nên bổ sung cho cơ thể các loại rau xanh, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm chứa chất béo không bão hòa. Mỗi người cũng nên kiểm soát tốt cân nặng, tránh tăng cân mất kiểm soát, duy trì vóc dáng vừa vặn.
Việc vận động thường xuyên, khoa học cũng là yếu tố quan trọng giúp chúng ta hạn chế mắc bệnh tiểu đường. Vận động giúp giữ lượng đường trong máu ổn định hơn, tăng độ nhạy insulin nên bảo vệ cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy, dù công việc có bận rộn tới đâu chúng ta cũng nên dành thời gian đi bộ, chạy bộ, tập aerobic, bơi lội…
Không chỉ vậy, dù ở độ tuổi nào chúng ta cũng cần duy trì thói quen kiểm tra đường huyết của bản thân. Trước khi nạp bất kỳ sản phẩm nào vào cơ thể, chúng ta cũng cần tìm hiểu lượng đường mà chúng có và cân nhắc trước khi tiêu thụ.
Dấu hiệu bệnh tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng không ít tới cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe và tuổi thọ của con người. Vì vậy chúng ta cần quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn, “lắng nghe” những phản hồi từ cơ thể để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân. Người mắc bệnh tiểu đường thường bộc lộ ra nhiều biểu hiện đặc trưng. Điển hình phải kể tới cảm giác khát nước và muốn uống nhiều nước. Người bệnh thường nạp nhiều nước vào cơ thể nhưng lúc nào cũng muốn uống thêm là biểu hiện bất thường.
Người bệnh tiểu đường cũng thường cảm thấy đói dù nạp thức ăn vào cơ thể đều đặn. Khi thức ăn được đưa vào cơ thể, chúng sẽ chuyển thành glucose để tạo năng lượng. Tuy nhiên nếu cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc có tế bào kháng insulin thì glucose không thể đi vào và tạo năng lượng. Điều này khiến bạn cảm thấy đói, mệt mỏi ngay cả khi mới ăn xong. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu khác ở người tiểu đường là nhìn mờ, đi tiểu nhiều lần, người luôn rơi vào mệt mỏi.